Bộ Công Thương: 4 biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp dệt may Việt Nam đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu

15:58 | 03/10/2020;
Trước những tác động của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, các doanh nghiệp dệt may sử dụng đông lao động nữ, đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng xuất khẩu. Trước những lo ngại về làn sóng dừng hoạt động của các doanh nghiệp này, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã có biện pháp nhằm hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Chiều tối ngày 2/10, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và 9 tháng năm 2020. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đại dịch Covid-19 diễn ra thời gian qua đã tác động rất lớn tới sự phát triển kinh tế các nước trên thế giới, trong đó các doanh nghiệp Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Mặc dù vậy, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của nước ta rất khả quan; sự nỗ lực cố gắng của chúng ta trong 9 tháng đầu năm có hiệu quả. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chín tháng đầu năm, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu thặng dư ở mức 17 tỷ USD. Xuất khẩu quý III có kết quả tích cực hơn so với dự báo trước đây, các tháng quý III có thể đạt 26,6 tỷ USD, tăng đến 34% so với quý II.

Tại buổi họp, báo giới cũng nêu thực trạng số lượng đơn hàn của doanh nghiệp thuộc những ngành như dệt may, da giày… Theo đó, dòng tiền của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ. Trước những lo ngại làn sóng dừng hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới, Chính phủ có những giải pháp nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngăn chặn làn sóng này?

Giải đáp báo giới, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: Hiện nay, một số ngành chúng ta đang có thế mạnh về xuất khẩu, trong đó có dệt may, da giày. So với các năm trước, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng cho sản xuất. Chính vì vậy, Chính phủ đã có chỉ đạo cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, quan trọng nhất là mức xuất khẩu.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể như: Thứ nhất, phải hỗ trợ tổ chức khai thác, vận dụng tốt các cơ hội của FDI, các Hiệp định thương mại tự do, tìm các giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Thứ hai, cần tăng cường công tác thông tin, định hướng dịch vụ xuất khẩu. Đây là việc rất quan trọng vì các doanh nghiệp hiện nay trong bối cảnh COVID-19 không thể đi ra nước ngoài. Do đó, thông tin được cung cấp kịp thời, chính xác, phù hợp sẽ giúp cho doanh nghiệp có những đơn hàng thông qua giao dịch trực tuyến, hoặc qua các phương thức khác.

Thứ ba, phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Mặc dù chúng ta không đi được theo các con đường cũ, truyền thống như tổ chức các đoàn khảo sát từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng chúng ta đã tổ chức nhiều diễn đàn, giao dịch trực tuyến.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, gỡ bỏ rào cản trong các quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam.

"Chúng tôi tin rằng với sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, 3 tháng cuối năm chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tốt hơn không những cho quý IV và năm 2020 mà tạo tiền đề để bước sang năm 2021", ông Đỗ Thắng Hải nói.

Bộ Công Thương: 4 biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp dệt may Việt Nam đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu - Ảnh 1.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đã có đánh giá sơ bộ, thể hiện ở ba khía cạnh: Nguồn vốn tín dụng, chính sách tài khoá và hỗ trợ trực tiếp trên ngân sách; trong đó đã có con số, kết quả cụ thể. Đặc biệt là phần giải ngân gói hỗ trợ cho đối tượng xã hội và người lao động bị giảm sâu thu nhập…

Các ngân hàng thương mại đã giảm chi phí và tăng hỗ trợ các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hơn. Trên thực tế, vấn đề hỗ trợ thông qua các khoản lãi suất và khoản cho vay cũ cũng như các khoản vay mới đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tốt hơn.

Vì vậy, việc hạ lãi suất cũng là một trong những lý do cơ bản quan trọng để tạo điều kiện cho tín dụng mở rộng. Ngoài ra, cùng với nhiều chính sách khác của Chính phủ, các bộ, ngành cũng tạo thuận lợi hơn trong hỗ trợ về tài chính, về thuế giúp các doanh nghiệp.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Các bộ, ngành cũng đang rà soát, báo cáo với Chính phủ, có kiến nghị cụ thể đối với tình hình sắp tới, nếu cần sẽ kiến nghị thêm những chính sách mới. Tuy nhiên, có một điều chúng ta hết sức lưu ý là nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Vừa qua các ngân hàng nhà nước đã có nhiều giải pháp quyết liệt, giảm rất sâu về lãi suất…

"Chúng ta cũng phải xác định nguồn vốn ngân hàng không phải nguồn vốn cho không, mà là nguồn vốn hoàn trả thị trường. 9 tháng vừa qua mức tăng trưởng tín dụng của chúng ta là 5%. Đây cũng là mức tăng tích cực. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải có thị trường, có nguyên liệu thì mới vay vốn được", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn