Bố đẩy con 'bập sâu' vào game online

00:00 | 12/05/2016;
Khi biết con trai đang học lớp 7 nghiện game, chị Đoàn Huyền Anh (Linh Đàm, Hà Nội) mới giật mình nhận ra chính vợ chồng chị "đẩy" con đến với game online.
Cho con thoải mái dùng máy tính, ipad..., con dễ dàng nghiện game. Ảnh minh họa internet.

Suốt ngày đi làm, về đến nhà, chồng chị Huyền Anh “cắm mặt” vào máy tính để “cày” game online. Do mê mải với các cuộc chiến trên game, chẳng mấy khi anh để ý đến con. Trần Gia Hưng (con chị Huyền Anh) không có trò gì chơi liền mon men đến gần để xem bố “xây lô cốt, chiến hào”. Đôi khi, bố và con cùng hợp tác “dàn binh bố trận” để chiến đấu và rất phấn khích khi thắng trận. Như vậy, chính bố là người truyền “tình yêu” game cho con trai.

Thế nên, nhiều hôm, vợ chồng chị Huyền Anh vội đi làm không cất laptop, cậu con trai Gia Hưng dành cả buổi sáng để chơi game. Chị Huyền Anh chủ quan nghĩ, con trai mới học lớp 6 có mở máy tính cũng chỉ vào facebook mà thôi. Hơn nữa, ngày nào chị cũng giao bài tập ở nhà cho con, nếu muốn chơi, con cũng không có thời gian.

“Bập"  vào game online, Hưng không dứt được ra. Buổi sáng bố mẹ vừa ra khỏi nhà là cậu say sưa với các cuộc chiến ảo. Thậm chí, nhiều hôm cậu quên cả ăn trưa để chiến đấu nốt. Sau một thời gian dài, chị Huyền Anh mới phát hiện ra con bỏ bữa vì say game. Chị quyết định cất laptop thật kỹ và yên tâm với việc “cắt cơn nghiện” cho con.

Nguyên nhân để con nghiện game, lỗi phần nhiều là do bố mẹ thiếu quan tâm, sát sao. Ảnh minh họa internet.

Thế nhưng, việc “cai nghiện” không dễ dàng như thế. Khi không có máy tính, Gia Hưng đứng ngồi không yên. Cậu vật vã, khó chịu. Rình những lúc mẹ không để ý, cậu lấy trộm tiền trong túi mẹ. Buổi sáng, khi bố mẹ ra khỏi nhà thì cậu cũng cầm tiền ra quán nét và ôm máy đến trưa. Số tiền mất không nhiều, chỉ 10, 20 nghìn đồng mỗi ngày nên chị Huyền Anh không phát hiện ra “kẻ trộm”.

Chỉ đến khi nghe hàng xóm mách con trai thường xuyên ra quán nét, chị mới biết, vấn đề không đơn giản như chị nghĩ. Con mải mê chơi game nên không tập trung vào việc học. Điều nguy hại hơn là con thường xuyên nói dối để thỏa mãn niềm “đam mê” của mình.

Dù bị bố đánh đòn đau con vẫn không thể ngay lập tức dứt được cơn nghiện. Chia sẻ câu chuyện này, chị Huyền Anh cho rằng, sự chủ quan, lơ là, không quan tâm của cha mẹ là nguyên nhân khiến con “dính” vào game online. Hiện tại, chị Huyền Anh và chồng đang phải trả giá cho việc này bằng cách phải gặp bác sĩ tâm lý, cùng lên kế hoạch cai game cho con. Họ hy vọng bằng tình thương, sự quan tâm, họ có thể giúp con sớm tránh xa trò chơi nguy hại với trẻ tuổi teen.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn