Bộ đội biên phòng Quảng Ninh: Hạnh phúc rưng rưng sau mỗi lần giải cứu nạn nhân bị buôn bán trở về

17:37 | 02/03/2019;
“Đóng quân ở địa bàn “điểm nóng” về nạn buôn bán người qua biên giới, mỗi lần giải cứu được nạn nhân bị buôn bán trở về, anh em chúng tôi đều rất vui, cảm xúc chộn rộn lắm. Dù đây là nhiệm vụ chính trị thường ngày, nhưng nhìn các chị em được giải cứu về với ánh mắt, gương mặt còn hoang mang, tả tơi... khiến mỗi chúng tôi đều chùng lòng lại”.

Anh Trung Đoàn, Phó đồn trưởng Đồn BP cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) khẽ mỉm cười chia sẻ về cảm xúc của mình sau những lần giải cứu thành công nạn nhân bị buôn bán trở về, anh lý giải thêm: “Nó giống như cảm giác của người vừa làm được việc có ích trong cuộc sống vậy thôi”.

bp1.jpg
Bộ đội biên phòng Quảng Ninh phối hợp với nước bạn giải cứu nhiều vụ mua bán người thành công, trong đó có cả trẻ em 

Phó đồn trưởng Đồn BP Cửa khẩu Móng Cái bỗng trầm giọng lại: “Nhìn các nạn nhân vừa được giải cứu trở về lúc ấy, mỗi chúng tôi đều có cảm xúc nghẹn ngào. Dẫu biết là được cứu thoát về Việt Nam rồi, nhưng nhiều chị em vẫn hoang mang, ánh mắt còn đầy sợ hãi. Nhiều chị em tâm lý không ổn định, sức khoẻ và thể chất yếu. Thậm chí có chị em chỉ ngồi cúi đầu trực trào nước mắt, không muốn nói ra danh tính của mình, vì các cô ấy sợ mọi người biết mình vừa bị lừa bán qua biên giới. Sợ người thân, bạn bè, xóm làng cười chê; sợ bị kỳ thị, khó hoà nhập khi về nhà sau thời gian bị lừa bán”.

Phương thức thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt

Phó Đồn trưởng Đồn BP cửa khẩu Móng Cái nhận định: Hoạt động phạm tội mua bán người vẫn đang diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi xảo quyệt, thành phần nạn nhân bị mua bán không chỉ dừng lại ở phụ nữ, trẻ em mà có cả đối tượng là nam giới…

bp5.jpg
Nhiều nạn nhân là phụ nữ, trẻ em được giải cứu an toàn trở về nhà

Như vụ nạn nhân là Phạm Thị Mai Phương, sinh năm 1996, ở TP Cẩm Phả, Quảng Ninh đến đồn trình báo: Ngày 27/9/2018, chị được bạn là Phó Thị Nhung, sinh năm 1996, ở huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh rủ sang TQ chơi. Hai người xuất cảnh trái phép sang TQ qua đoạn biên giới km2. Khi sang TQ chơi được 5 ngày, Phương đòi về nhưng Nhung nói phải trả mọi chi phí khi sang TQ chơi mới được về. Sau đó Nhung yêu cầu Phương thực hiện việc bán dâm tại TQ để lấy tiền. Phương không đồng ý và bị Nhung đánh.

Sau đó Phương có nghe Nhung nói chuyện với một người phụ nữ TQ rằng sẽ bán Phương với giá 29.000 NDT để lấy tiền trả nợ cho Nhung. Sau khi liên lạc được với người thân tại Việt Nam, Phương đã nhờ người trình báo cơ quan chức năng để giúp đỡ và được BĐBP hướng dẫn, giúp đỡ chị quay trở về với gia đình.

Hay nạn nhân Quàng Thị Khuyên, sinh năm 1988, ở huyện Mường Nhà, tỉnh Điện Biên, làm nghề giáo viên trường tiểu học, có quen qua mạng xã hội Zalo một đối tượng tên Tuấn. Quá trình nói chuyện trên mạng xã hội, Tuấn tự giới thiệu nhà ở Hải Phòng, là cán bộ thuộc BĐBP tỉnh Quảng Ninh, Khuyên có tâm sự về việc mình bị bệnh tim, hoàn cảnh khó khăn nên không có khả năng chữa bệnh.

bp3.jpg
Xót lòng với những nạn nhân có con còn rất nhỏ

Tuấn hứa có thể giúp Khuyên chữa bệnh. Sau đó Tuấn hẹn Khuyên xuống Hà Nội, Hải Phòng chơi và sau đó đưa sang Đông Hưng, Trung Quốc để giúp Khuyên chữa bệnh. Tại Đông Hưng (TQ), Tuấn cùng bạn là Thắm nói sẽ đưa Khuyên đi khám bệnh, tiến hành chụp ảnh nói rằng để làm hồ sơ khám bệnh, nhưng thực chất là đưa cho các đối tượng có nhu cầu mua người xem mặt.

Quá trình giao dịch với các đối tượng người TQ, do không biết tiếng nên Tuấn dặn Khuyên khi được hỏi cứ gật đầu là được. Sau cùng Tuấn bán Khuyên cho một người TQ tên là Chiên Kun Keo, ở tỉnh Khâm Châu, TQ. Sau khi biết mình bị lừa bán, Khuyên đã nhờ điện thoại của một người phụ nữ Việt Nam lấy chồng tại TQ liên lạc thông báo với gia đình. Ông Quàng Văn Hao, bố của Khuyên đã làm đơn gửi Đồn BPCKQT Móng Cái hỗ trợ. Đồn đã phối hợp với công an nước bạn giải cứu thành công nạn nhân Quàng Thị Khuyên về Việt Nam.

bp6.jpg
Chân dung một đối tượng lừa bán người trái phép qua biên giới bị lực lượng BĐBP Quảng Ninh bắt giữ

Giải cứu nạn nhân bị buôn bán qua biên giới vẫn còn nhiều khó khăn

Tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên địa bàn biên giới tỉnh Quảng Ninh vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, chủ yếu diễn ra trên tuyến biên giới TP Móng Cái và được xác định là địa bàn trung chuyển nạn nhân bị mua bán từ các tỉnh, thành nội địa qua biên giới, sang Trung Quốc.

Anh Lê Xuân Men, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hầu hết các nạn nhân bị mua bán đều là những người cư trú tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên nhận thức còn hạn chế, nạn nhân không hiểu biết các quy định của pháp luật về tội phạm mua bán người, nhất là quy định về các yếu tố cấu thành tội mua bán người.

bp4.jpg
Lực lượng biên phòng bắt quả tang các đối tượng đang lừa đưa nạn nhân sang TQ bán

Nhiều nạn nhân không lường hết sự nguy hiểm của hoạt động tội phạm mua bán người, như tội mua bán người xâm phạm vào quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của con người được Hiến pháp và pháp luật quy định… Từ đó nạn nhân không có ý thức bảo vệ bản thân, thậm chí trong một số trường hợp, tội phạm mua bán người được thực hiện khi có sự đồng ý của nạn nhân.

Bên cạnh đó, nạn nhân không nhận thức hết mặt khách quan của tội phạm mua bán người, đó là hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác mua bán, trao đổi con người như một thứ hàng hóa. Không nhận thức được thủ đoạn mà đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mua bán người thường thực hiện đó là tìm kiếm, lừa gạt, thu gom, bắt cóc, vận chuyển, cất giấu, tập kết… nên khó khăn cho nạn nhân trong việc cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến hoạt động phạm tội của đối tượng cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Thậm chí, trong một số trường hợp nạn nhân bị lừa bán song không nhận thức được việc mình là nạn nhân bị mua bán và còn đứng ra bảo vệ cho đối tượng phạm tội.

Trước những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của bọn buôn bán người, anh Lê Xuân Men khẽ thở dài: Trong một số trường hợp, nạn nhân bị mua bán là trẻ em. Tại thời điểm phát hiện tội phạm, khi tiến hành các thủ tục Tố tụng mà chưa xác định được người đại diện hợp pháp là người thân của nạn nhân, tạm thời sử dụng người đại diện hợp pháp là người của các cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật (Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên….) khi đó tác động, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của nạn nhân (lo lắng, không biết có tin tưởng vào người đại diện hợp pháp không…).

Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Phương thức thủ đoạn của bọn buôn người được thực hiện cơ bản như: lợi dụng mối quan hệ sẵn có với nạn nhân hoặc thông qua các mối quan hệ bắc cầu khác để dụ dỗ, lừa đưa nạn nhân đi chơi, tham quan, du lịch, đưa đi tìm việc làm với mức lương cao, cũng có trường hợp nói thẳng là đưa sang TQ để lấy chồng.

bp2.jpg
Có một số trường hợp, các đối tượng sử dụng giấy tờ tùy thân của nạn nhận hoặc giả mạo giấy tờ làm sổ thông hành để xuất cảnh qua cửa khẩu sang TQ.

Một số đối tượng nam thanh niên tạo các trang cá nhân trên mạng xã hội, làm quen các thiếu nữ, tán tỉnh, yêu đương, hẹn hò đưa đi chơi, tham quan, du lịch sau đó lừa bán. Khi ra đến khu vực biên giới, các đối tượng lừa bán cấu kết với một số đối tượng cư trú tại địa bàn, thông thuộc địa hình, lợi dụng sơ hở của ta trong hoạt động tuần tra, bảo vệ biên giới để đưa nạn nhân xuất cảnh trái phép quan biên giới. Có một số trường hợp, các đối tượng sử dụng giấy tờ tùy thân của nạn nhận hoặc giả mạo giấy tờ làm sổ thông hành để xuất cảnh qua cửa khẩu sang TQ. Khi đưa nạn nhân vào khu vực biên giới, các đối tượng thường dặn dò nạn nhân, khi gặp lực lượng chức năng kiểm tra thì phải khai báo là có mối quan hệ người nhà, bạn bè, cùng nhau, tự nguyện sang TQ tham quan, mua hàng hóa, tìm việc làm.

Mục đích lừa bán người sang địa bàn TQ chủ yếu phục vụ hoạt động mại dâm, một số ít để bán cho đàn ông TQ khó lấy vợ, đối với trẻ em thường để bán làm con nuôi. Giá cả mua bán trung bình từ 15 đến 20 triệu đồng/nạn nhân, đặc biệt có vụ giá bán lên đến trên 60 triệu đồng.

Ngay sau khi giải cứu nạn nhân, các đơn vị BĐBP tỉnh tiến hành phối hợp với các cơ quan chức năng như Phòng Lao động - Thương binh xã hội, Hội phụ nữ các huyện, thị, thành phố để hỗ trợ tâm lý, động viên tinh thần cho nạn nhân. Cán bộ BĐBP trực tiếp tư vấn về pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại và phối hợp với các cơ quan chức năng trợ giúp pháp lý như cấp giấy chứng nhận nạn nhân bị mua bán, tham gia tố tụng và hướng dẫn nạn nhân thực hiện các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ mua bán người.

Công tác hỗ trợ nạn nhân mặc dù đã có quy định nhưng chưa đi vào thực tế, thủ tục phức tạp, nhiều trường hợp đơn vị, cán bộ phải tự bỏ tiền hỗ trợ (như tiền ăn, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, tàu xe) cho nạn nhân. Việc hướng dẫn nạn nhân viết đơn tố giác tội phạm đã tiến hành, nhưng sau đó không nắm được nạn nhân thực hiện ra sao, kết quả đấu tranh, xử lý đối tượng phạm tội như thế nào.

Trước những diễn biến phức tạp của nạn buôn bán người diễn ra ngày càng tinh vi, Phó đồn trưởng Đồn BP cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) Trung Đoàn khuyên: “Chị em không nhẹ dạ cả tin, thận trọng khi làm quen các bạn bè qua mạng xã hội. Thậm chí, không tin và nghe việc đưa ra nước ngoài bất hợp pháp (xuất cảnh trái phép), cũng đừng tin việc dẫn ra nước ngoài tìm việc làm có lương cao. Càng không có chuyện người ta dẫn chị em đi nước ngoài mua sắm, du lịch tự do. Nếu chị em nào trở về được, hãy mạnh dạn tố cáo đối tượng phạm tội, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng truy bắt, đấu tranh với đối tượng, để chúng bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn