Trao tặng "mái ấm tình thương" cho những gia đình có hoàn cảnh éo le
Xã Cam Thịnh Tây gập ghềnh sỏi đá với những đoạn đường còn thi công dang dở. Chỉ cách thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà) vài chục cây số, nhưng sự khác biệt ở Cam Thịnh Tây là những ngôi nhà thưa thớt, vườn cây xác xơ. Ngồi trong căn nhà xây cấp 4, lợp mái proximăng ở thôn Thịnh Sơn, ông Mang Tuốt (SN 1958) và con gái ông là chị Thị Tinh (SN 1988) đang lo bữa cơm chiều và đợi các cháu đi học về.
Vợ ông Mang Tuốt đã mất 8 năm, để lại cho ông 5 người con (3 gái, 2 trai). Chị Thị Tinh là con gái thứ 2 của ông và có hoàn cảnh khó khăn nhất nhà. Từ khi vợ mất, ông Mang Tuốt đến ở cùng vợ chồng chị Thị Tinh để giúp trông nhà và chăm sóc các cháu nhỏ. Bố con, ông cháu chưa sum họp được bao lâu thì chồng chị Thị Tinh mất vì tai nạn giao thông, để lại cho chị Tinh cô con gái học cấp 3 và con trai nhỏ học cấp 1.
Chị Thị Tinh nói không sõi tiếng Kinh, trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu do chồng chị đi làm thuê lo cho vợ con. Trước khi mất, anh nằm viện gần 2 năm, bao tiền tích góp, vay mượn được nhiều năm qua đều dành lo thuốc thang, chạy chữa, nhưng anh vẫn không qua khỏi, để lại thêm khoản nợ không nhỏ cho vợ con. Từ ngày chồng mất, (năm 2021), chị Thị Tinh phải gắng gượng thay chồng đi làm thuê để vừa trả nợ, vừa chăm lo cho cha già và 2 con thơ. "Tôi sống 1 mình, con gái cũng mất chồng rồi, cha con tôi giờ nương tựa vào nhau, gắng động viên con cháu ăn học nên người" - ông Mang Tuốt thay lời con gái bộc bạch.
Thấu hiểu và sẻ chia khó khăn với hoàn cảnh của bố con ông Mang Tuốt, Lữ đoàn 957 đã phối hợp cùng chính quyền địa phương chung tay xây dựng giúp bố con ông "Mái ấm tình thương". "Được bộ đội hải quân xây cho căn nhà mới, bố con, ông cháu tôi mừng lắm. Từ khi có nhà mới, bố con tôi không phải lo lúc trời mưa to gió lớn nhà sẽ bị dột, bị đổ như trước. Cuộc sống còn nghèo khó, con gái trả nợ chưa xong, nhưng có căn nhà chắc chắn để ở là yên tâm lắm rồi" – ông Mang Tuốt nói.
Men theo con đường làng đến nhà bà Thị Nía (80 tuổi) ở thôn Thịnh Sơn, bà Nía hiện đang sống với người con gái hơn 40 tuổi. Bà Nía đang ngồi lặng lẽ ở cửa bếp ngóng đợi con gái đi chăn bò về, bà Thị Nía cười khoe: "Từ ngày mẹ con tôi được bộ đội sửa giúp căn nhà vững chắc, bộ đội còn cho gạo ăn, cho cả giường ngủ, quạt, nồi cơm điện, chăn đệm…, nên yên tâm lắm rồi".
Vẫn chờ được Nhà nước và bộ đội hỗ trợ
Chia sẻ với những khó khăn của người dân thôn Thịnh Sơn, chị Thị Bé, trưởng thôn Thịnh Sơn cho biết: "Thôn Thịnh Sơn có 679 hộ, 99% người dân là dân tộc Đăklây, nhiều năm qua, bà con được bộ đội hải quân giúp làm kinh tế, trồng cây ăn trái, trao tặng bò giống để chăn nuôi. Bà con cũng được chính quyền xã tuyên truyền về khoa học kỹ thuật, nhưng nhận thức còn hạn chế, nên cuộc sống của người dân ở thôn Thịnh Sơn chưa phát triển. Chỉ một số hộ có chồng và con trai đi biển đánh cá thì khá hơn. Số hộ còn lại chủ yếu làm rẫy, thu nhập thấp, nên vẫn chờ được Nhà nước và bộ đội hỗ trợ".
Đồng tình với chia sẻ của trưởng thôn Thịnh Sơn, ông Mang Bốn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Cam Thịnh Tây chia sẻ: "Bà con Đăklây ở đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp trồng bắp, mì, mía và chăn nuôi. Tuy nhiên, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt còn hạn chế do trình độ dân trí thấp, hơn nữa, bà con trồng cây ăn quả, rau màu đều phụ thuộc vào thời tiết. Mấy năm nay hạn hán kéo dài liên miên, không chỉ các hộ gia đình thiếu bữa ăn do trồng cấy mất mùa, mà trâu bò cũng không chăm được do cỏ làm thức ăn cho trâu bò bị chết do hạn hán".
"Những năm gần đây, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã vận động người dân đào giếng chống hạn hán, nhưng giếng đào sâu vẫn ít nước, chỉ đủ dùng cho trâu bò uống, không đủ nước tưới tiêu cho rau màu. Đến thời điểm này, đã có 70% hộ dân tự đào giếng nước để tự túc cho sinh hoạt gia đình vào mùa khô hạn. Những mục tiêu về đích nông thôn mới của xã Cam Thịnh Tây đang dần được rút ngắn.
Dự kiến, đến cuối năm 2025, xã sẽ về đích nông thôn mới với khoảng 30 căn nhà được xây mới hoặc sửa lại, lợp mái proximăng kiên cố. Dù biết về đích nông thôn mới với Cam Thịnh Tây còn cả một chặng đường khó, nhưng các cấp chính quyền địa phương đang nỗ lực từng ngày" - ông Mang Bốn cho biết.
Công tác dân vận với địa phương kết nghĩa luôn được coi trọng
Lữ đoàn 957, thuộc Vùng 4 Hải quân là đơn vị sẵn sàng chi viện làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa, đóng quân trên địa bàn thành phố Cam Ranh, đã kết nghĩa với xã Cam Thịnh Tây hơn 20 năm. Đây là xã cuối cùng của thành phố Cam Ranh, tiếp giáp với 2 xã Bắc Ái và Phước Chiến, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận), với địa thế kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn.
Đại tá Phạm Quang Trung, Chính uỷ Lữ đoàn 957 cho biết: "Lữ đoàn 957 chúng tôi luôn coi công tác dân vận với địa phương kết nghĩa là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị. Hàng năm đơn vị có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo các đơn vị cấp dưới phân công, phối hợp với Hội phụ nữ Lữ đoàn, với chính quyền địa phương thực hiện nhiều việc làm nghĩa tình cho người dân.
Ví như, ngoài việc đơn vị trực tiếp cử cán bộ, chiến sỹ dành hàng trăm ngày công mỗi năm xây dựng mới hoặc sửa chữa nhiều căn nhà "Mái ấm tình thương" cho người dân có hoàn cảnh éo le, đơn vị còn phối hợp đầu tư kinh phí, hỗ trợ vật chất, đồ gia dụng trong gia đình, khám chữa bệnh miễn phí cho bà con. Dành nhiều ngày cuối tuần giúp địa phương dọn sạch đường làng ngõ xóm và các trường học trên địa bàn, đơn vị còn tặng hàng trăm phần quà ý nghĩa động viên người dân vượt qua khó khăn, yên tâm vươn lên ổn định cuộc sống".
"Vấn đề khó ở Cam Thịnh Tây là nếp văn hoá lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, nên không thể một sớm một chiều mà khắc phục được vấn xóa đói, giảm nghèo ở nơi này" – Đại tá Phạm Quang Trung trầm giọng nói.
Rời xã Cam Thịnh Tây trở về thành phố Cam Ranh náo nhiệt, những "Mái ấm tình thương" lợp mái proximăng lại chìm trong quạnh quẽ, thấp thoáng giữa mảnh vườn xác xơ. Bên cạnh đó còn nhiều căn nhà trống hoác, lụp xụp và cả những hố tiêu được che chắn sơ sài ở góc vườn…, để hiểu rõ nỗi niềm còn đè nặng trong câu nói của vị Chính uỷ Lữ đoàn rằng "thay đổi nếp nghĩ, cách làm với người dân ở Cam Thịnh Tây không chỉ một sớm, một chiều".
Chúng tôi vẫn bắt gặp những dải khói lam chiều bay lên từ những căn nhà thưa thớt của đồng bào ở Cam Thịnh Tây. Vẫn biết, bóng dáng những người lính hải quân hàng chục năm qua đã trở nên quen thuộc, gắn bó như "người nhà", nhưng nếu muốn có sự no đủ, ổn định ở mỗi hộ dân nơi này, còn cần một sức bật mạnh mẽ hơn từ các cấp, ngành ở tỉnh Khánh Hoà. Vẫn là sự tiếp tục kiên trì, cần mẫn "cầm tay chỉ việc" của những người lính hải quân với từng hộ dân, cũng như sự nỗ lực vươn lên của người dân Đăclây. Để Cam Thịnh Tây sẽ trở nên trù phú, xoá nhoà không gian cách biệt với thành phố du lịch biển nổi tiếng Cam Ranh, khi về đích nông thôn mới trong một ngày không xa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn