Tăng lương cho giáo viên
Lương giáo viên không còn là câu chuyện mới với thực trạng đồng lương không đủ nuôi sống bản thân. Đây cũng là vấn đề luôn làm nóng nghị trường Quốc hội nhiều kỳ họp, tuy nhiên chưa có sự thay đổi nào đáng kể về giải pháp tăng lương cho giáo viên.
Theo văn bản của Bộ GD&ĐT gửi Bộ Nội vụ và Bộ LĐ-TB&XH về tổng hợp quỹ tiền lương của ngành tính đến ngày 31/12/2016, lương của giáo viên từ 3 đến 10 triệu tùy thuộc vào thâm niên công tác của giáo viên.
Theo Bộ GD&ĐT, việc áp dụng hệ thống thang bảng lương hiện hành chưa theo mức độ phức tạp của công việc (chẳng hạn: giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học ở cùng một hạng có chung một bảng lương), trong khi mức lương cơ sở còn thấp so với lương tối thiểu.
Do đó, bộ phận giáo viên trẻ có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng, trong khi họ phải tham gia đào tạo ít nhất 02 năm. Khoảng cách giữa các bậc lương còn thấp (0,20; 0,31; 0,33...) nên việc tăng lương chưa cải thiện nhiều thu nhập của giáo viên.
Trước tình hình này, đại diện Bộ GD&ĐT cho hay một trong 5 giải pháp chiến lược mà Bộ GD&ĐT đưa ra là trong năm 2017 quyết liệt rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách đối với đội ngũ nhà giáo.
Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT trình Chính phủ, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.
Bộ GD&ĐT cho rằng cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề lương giáo viên và thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật Giáo dục.
Cụ thể, theo Bộ GD&ĐT, việc sửa đổi, bổ sung điều 81 về tiền lương của nhà giáo nhằm thể chế hóa khoản 6 mục 3 phần B Nghị quyết 29 trong việc xác định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Việc đánh giá tác động đối với chính sách này đã được thực hiện khi Bộ GD&ĐT trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề còn có ý kiến khác nhau nên Bộ G&ĐT muốn xin ý kiến của Chính phủ.
Đề xuất miễn học phí bậc THCS
Theo Tờ trình, tại Khoản 1 điều 105 Luật Giáo dục hiện hành quy định học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Tuy nhiên, bậc tiểu học và THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản, bậc THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Vì vậy ở dự thảo này, Bộ GD&ĐT đề xuất mở rộng đối tượng miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập. Đưa ra điều chỉnh quan trọng này, Bộ GD&ĐT nêu rõ: Căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng. Vì vậy, phải có cơ chế thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục.
Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý.
HĐND cấp tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND cùng cấp. Riêng cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.