Bộ GD&ĐT: Lo tác động cực đoan khi công khai danh tính thí sinh được nâng điểm

11:06 | 26/03/2019;
Đó là ý kiến của ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) được nói tại cuộc họp báo quý I do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 26/3. Ông Mai Văn Trinh cho rằng công khai danh tính thí sinh phải tuân thủ Hiến pháp 2013, Luật Dân sự, căn cứ vào cơ quan điều tra.

Tại cuộc họp báo quý I diễn ra sáng 26/3, khá nhiều phóng viên quan tâm đến vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La gây rúng động vào năm ngoái. Sau khi kết quả điều tra được công bố, điểm thi chấm phúc khảo cũng được đưa ra, dư luận đặt ra vấn đề có nên công khai danh tính thí sinh liên quan đến sai phạm trong kỳ thi quốc gia 2017, 2018 hay không.

Về điều này, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, quan điểm của Bộ là không dung túng cho sai phạm, và kiên quyết xử lý nghiêm, đến cùng các sai phạm theo pháp luật.

“Bảy tháng qua là minh chứng rõ ràng nhất. Việc có kết quả thẩm định dựa trên cơ ở giám định của công an là sự nỗ lực quyết tâm lớn của bộ công an, về kỹ thuật, con người” – ông Trinh nhấn mạnh.

img_8904.jpg
Ông Mai Văn Trinh chia sẻ tạ cuộc họp báo sáng 26/3. Ảnh: D.H 

Còn việc công khai danh tính thí sinh thì ông Mai Văn Trinh cho rằng phải tuân thủ Hiến pháp 2013, Luật Dân sự, căn cứ vào cơ quan điều tra.

“Việc danh tính công bố như thế nào, đến đâu thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra, cơ quan chức năng. Dư luận muốn việc này nhưng phải tính đến nhiều yếu tố tác động, phụ thuộc vào cơ quan chức năng và theo khuôn khổ pháp luật. Ngoài ra không thể không tính đến những tác động cực đoan đến các cháu” – ông Trinh nêu quan điểm.

Cũng theo ông Mai Văn Trinh, với các văn bản hiện hành thì đã đủ khung pháp lý để xử lý cho việc gian lận thi cử, tránh lặp lại trong những kỳ thi tiếp theo.

Liên quan đến vụ gian lận điểm thi, đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã công bố thông tin về xử lý sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang, nhưng danh tính các thí sinh đã được can thiệp nâng điểm vẫn được giữ kín, không công bố trước công luận. Vấn đề có nên công bố danh sách thí sinh được nâng điểm hay không đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Theo thông báo của Bộ GD&Đ, số thí sinh được can thiệp nâng điểm tại tỉnh Hòa Bình là 64 em và tại Sơn La là 44 em. Tuy vậy, trong các thông báo của Bộ đều không có danh sách thí sinh đã được nâng điểm.

2_zpac.jpg
Danh sách thí sinh gian lận điểm và kết quả sau khi chấm phúc khảo 

Việc không công khai danh tính thí sinh gian lận điểm của Bộ GD&ĐT lập tức có những ý kiến trái chiều. Ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, không đồng tình khi cho rằng, việc không công khai danh sách thí sinh trong vụ gian lận điểm thi là vi phạm Luật Báo chí và Luật Phòng chống tham nhũng, thậm chí là vi hiến. Theo ông, vấn đề giáo dục, y tế và những vấn đề về mặt an sinh là các vấn đề xã hội tăng cường tính công khai minh bạch. Điều này đã được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng.

“Đây là một vụ việc hoàn toàn là tham nhũng. Có vấn đề chạy điểm, vi phạm quy chế thi. Do đó, phải công khai chứ không được độc quyền vi phạm. Các cơ quan pháp luật không được độc quyền vi phạm. Còn nếu không công khai thì coi là hành vi bao che cho vi phạm. Hành vi như vậy có thể coi là một dạng vi phạm” – ông nhấn mạnh.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn