Theo Bộ GD&ĐT, đơn vị này đã ban hành quy định về đạo đức nhà giáo, tiêu chuẩn chức danh giảng viên, đạo đức nghề nghiệp và quy định dành cho Giáo sư, Phó Giáo sư.
Vì vậy, trước sự việc GS Trương Nguyện Thành (ĐH Hoa Sen) mặc quần đùi, áo may ô rách đứng trên bục giảng gây tranh cãi dư luận, Bộ GD&ĐT đã chính thức vào cuộc.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 16 về đạo đức nhà giáo, tiêu chuẩn chức danh giảng viên, đạo đức nghề nghiệp; quy định dành cho Giáo sư, Phó Giáo sư.
“Bộ GD&ĐT đã yêu cầu ĐH Hoa Sen báo cáo về việc Giáo sư Trương Nguyện Thành mặc áo may ô, quần đùi giảng dạy trước sinh viên. Theo đó, nhà trường phải xác minh xem Giáo sư Trương Nguyện Thành ngồi ở đâu, có mặc quần áo như phản ánh hay không trước khi có kết luận chính thức”, ông Minh cho biết.
Hình ảnh gây tranh cãi của GS Trương Nguyện Thành - Phó Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen. |
Trước đó, Facebook của một chuyên gia về khởi nghiệp vừa lan tỏa hình ảnh GS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen TPHCM, mặc áo may ô, quần đùi giảng dạy trước sinh viên.
Ngay sau khi những hình đó xuất hiện, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc này. Một số ủng hộ cách làm của vị GS này khi cho rằng ở phương Tây, giảng viên cũng làm cách ấy để thu hút sự chú ý của sinh viên cũng như muốn truyền tải thông điệp nào đó.
Tuy nhiên, không ít ý kiến tỏ ra ngao ngán trước hành động được cho là quá lố của một giảng viên ở chức danh giáo sư.
Nhà giáo Nguyễn Thị Thuần (giáo viên hưu trí ở Thượng Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi hơi sốc khi nhìn thấy hình ảnh này. Là người giảng dạy kiến thức và cả đạo đức, nhân cách cho học sinh, tôi nghĩ vẫn cần có một giới hạn chuẩn mực nhất định đối với giáo viên. Không thể lấy văn hóa phương Tây áp dụng bừa bãi vào văn hóa giáo dục ở nước ta. Đây lại là một vị giáo sư, điều này rất phản cảm!”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Lê Na (cán bộ ngân hàng TPbank Hà Nội) đặt câu hỏi, Bộ GD&ĐT vào cuộc để làm rõ điều gì? Một cơ quan chủ quản có bao nhiêu việc để giải quyết hàng ngày, hàng giờ, liệu có cần thiết phải vào cuộc để làm rõ một hành động có chủ đích của một giảng viên đại học?
“Giáo sư này cần chịu trách nhiệm hoàn toàn về những hành vi của mình trước sinh viên, trước nhà trường. Bản thân trường có thể tự tìm cách giải quyết những dư luận trái chiều này chứ chưa đến mức nghiêm trọng để Bộ GD&ĐT phải vào cuộc. Con cái chúng tôi học hành nhiều vấn đề lắm, Bộ có biết để giải quyết tường tận cho từng học trò hay không?” - chị Na gay gắt.
Giải thích về cách mặc áo may ô, quần đùi giảng dạy trước sinh viên, GS Trương Nguyện Thành cho biết, cách mặc như vậy là minh chứng về sáng tạo trong lớp phát triển tư duy sáng tạo ở khóa học Lộ trình sáng tạo diễn ra trong ngày 23 và 24/4. Vị GS này muốn sinh viên làm sao phát huy được kỹ năng sáng tạo.
“Tôi muốn để sinh viên hiểu rằng, muốn phát triển tư duy sáng tạo thì cần phải bỏ những rào cản về tư tưởng, không có gì giới hạn suy nghĩ của mình. Cần phải nghĩ vượt qua tầm giới hạn trong định kiến xã hội, gò bó trong ý tưởng, những gì chúng ta cho là được và không được… mới có khả năng sáng tạo”, GS Thành nói.
* Khoản 4, điều 5 (Lối sống, tác phong) trong Quyết định số 16/2008/BGDĐT về đạo đức nhà giáo quy định: "Trang phục, trang sức khi thực hiện nhiệm vụ phải giản dị, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với nghề dạy học, không gây phản cảm và phân tán sự chú ý của người học". |
GS Trương Nguyện Thành sinh năm 1961, là tiến sĩ ngành Hóa và Tính toán; có 2 bằng sáng chế quốc tế về công nghệ thông tin. Ông đã xuất bản 180 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành hóa và công nghệ thông tin; xuất bản hơn 150 bài báo trình bày tại các hội thảo chuyên ngành quốc tế. Ông có 38 năm sống và làm việc tại Mỹ, trở thành giảng viên của một ĐH nổi tiếng ở Mỹ. Ông về nước, điều hành ĐH Hoa Sen (TPHCM) với tâm nguyện xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế. |