Bộ Khoa học-Công nghệ xin tạm dừng dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm

16:05 | 12/03/2019;
Sau khi Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về nước mắm có nhiều ý kiến từ các bên liên quan, Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định tạm dừng dự thảo này để lấy thêm ý kiến đóng góp.
Sáng 12/3, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc cho biết đã công bố tạm dừng Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn) soạn thảo.
 
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết sẽ dừng công bố dự thảo để tiếp tục xin ý kiến các tổ chức, hiệp hội... bằng văn bản hoặc đối thoại, hội thảo... Việc xin ý kiến tiếp nhằm đảm bảo sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng đến các tổ chức sản xuất kinh doanh nước mắm.
 
Ông lý giải, một bộ tiêu chuẩn quốc gia, quy phạm thực hành sản phẩm trong một lĩnh vực nào đó sẽ liên quan đến vài bộ, ngành. Song khi đưa vào cuộc sống đều phải đảm bảo ba nguyên tắc.
 
Thứ nhất là phải phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam ở từng giai đoạn. Ví dụ, có giai đoạn thì chất lượng đối với sản phẩm xăng dầu không được quan tâm nhưng hiện nay lại được quản lý rất chặt chẽ.
 
Thứ hai, mỗi bộ tiêu chuẩn phải đảm bảo sự đồng thuận của các thành phần liên quan trong xã hội. Đây là nguyên tắc không phải ngoại lệ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới.
 
Và thứ ba, theo ông là phải đảm bảo sự hài hoà lợi ích của các bên liên quan.
 
san-xuat-nuoc-mam_1.jpg
Dự thảo chưa đảm bảo sự đồng thuận - một trong ba nguyên tắc quan trọng nhất của một văn bản khi ban hành, theo cơ quan soạn thảo.

 

Tuy nhiên, theo ông Tạc, cơ quan này cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều khi dự thảo tiêu chuẩn với nước mắm được công bố. "Việc xây dựng một tiêu chuẩn với mỗi sản phẩm rất khó khăn. Khi nhận được những ý kiến phản ánh trái chiều cần lại xem lại bởi các 'điều kiện cần' như trên không đảm bảo", Thứ trưởng nói.
 
Theo Thứ trưởng, “khi không đảm bảo các tiêu chuẩn đó thì phải dừng để xin ý kiến, đối thoại với các bên để làm rõ hơn cũng như để nhận sự đồng thuận”.
 
Đại diện Bộ Nông nghiệp cũng cho biết sẽ cùng Bộ Khoa học & Công nghệ hoàn thiện dự thảo quy chuẩn này thông qua việc nhiều lần tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các bên để khi công bố đảm bảo được ba tiêu chí này.
 
Trước đó, sau khi dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" được công bố, nhiều ý kiến cho rằng có hơn 50 nội dung quy định không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm. Một số tổ chức, hiệp hội đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
 
Chiều ngày 11/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu kỹ các ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn cho nước mắm, tổ chức đối thoại tạo thống nhất, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống.
 
Dự thảo tiêu chuẩn về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm được xây dựng dựa trên căn cứ Tiêu chuẩn CODEX (CAC/RCP 52-2003), TCVN 7265:2015 và thực tế sản xuất nước mắm tại Việt Nam. Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan thẩm định phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản là cơ quan biên soạn.
 
Thông tin về quá trình soạn thảo và nội dung dự thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, tiêu chuẩn này là các hướng dẫn, khuyến nghị mang tính tự nguyện về việc xác định các mối nguy có thể ảnh hưởng tới sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, qua đó phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra cho người sử dụng sản phẩm.
 
Ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, người sản xuất nước mắm có thể dựa vào tiêu chuẩn này để nhận biết một cách dễ dàng về các mối nguy có thể xuất hiện ở các công đoạn sản xuất của mình. Từ đó, có phương án hạn chế các mối nguy về hóa học, sinh học, vật lý có thể xảy ra nhằm đáp ứng các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm của nước mắm.
 
“Tiêu chuẩn quốc gia là khuyến khích áp dụng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) mới là văn bản bắt buộc áp dụng. Do đó, tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng”, ông Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh.
 
Còn ông Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng Phòng Phát triển thị trường thủy sản (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) cho biết, dự thảo đưa ra các khuyến nghị, hướng dẫn kỹ thuật nhằm nhận diện, phòng ngừa, kiểm soát các mối nguy, rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm cho sản phẩm nước mắm.
 
“Đây là tiêu chuẩn về quá trình, chứ không phải tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, không đưa ra các chỉ tiêu và mức giới hạn cần tuân thủ đối với các chỉ tiêu đó cho sản phẩm cuối cùng”, ông Đào Trọng Hiếu nhấn mạnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn