Bố mẹ bêu xấu con trên facebook vì thi trượt

17:42 | 19/01/2017;
Trượt môn toán cao cấp, nam sinh trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã bị bố mẹ bêu riếu khắp nơi, kể cả trên facebook như: 'Ăn liên hoan con trai trượt toán cao cấp 1', 'Mua cá về ăn mừng con trai trượt toán cao cấp 1'...
Nhiều cha mẹ sai lầm khi nghĩ, bêu riếu con trên facebook sẽ khiến con xấu hổ và không mắc lỗi nữa. Ảnh minh họa internet.

Nam sinh này kể lại, thi toán cao cấp xong, do không làm được bài, nắm trong tay kết quả trượt nên cậu đã đăng status thể hiện tâm trạng buồn bã, thất vọng. Việc bị điểm kém hay bị trượt môn đối với sinh viên chẳng có gì to tát, thế nhưng cách bố mẹ cậu ứng xử cứ như cậu là đồ bỏ đi, ngu dốt và thật đáng sỉ nhục.

Suốt 3 ngày sau kỳ thi, trên facebook của cậu tràn ngập ảnh của bố mẹ. Thỉnh thoảng, cậu lại nhận được thông báo từ facebook: “Bạn đã được gắn thẻ trong ảnh” và khi mở ra đọc thì cậu chỉ muốn “chui xuống đất để trốn”. 

Như việc bố đi ăn liên hoan cùng công ty rồi chụp ảnh: “Ăn liên hoan con trai trượt toán cao cấp 1”; mẹ đi chợ “check-in” với con cá: “Mua cá về ăn mừng con trai trượt toán cao cấp 1”; bố mẹ đi siêu thị sắm Tết: “Tranh thủ lúc con trai trượt toán cao cấp 1 đi sắm Tết”; bố mẹ qua nhà bà chơi: “Bà chúc mừng con trai vì đã trượt toán cao cấp 1”; bố mẹ đạp xe đi dạo ở công viên: “Đi chơi mừng con trai trượt toán cao cấp 1”…

Nam sinh “trượt toán cao cấp” đau khổ cho biết, mỗi lần như vậy, cậu không dám bình luận gì, chỉ lẳng lẽ xóa tag đi, nhưng vẫn bị bố mẹ tag lại. Bố mẹ còn thi nhau bình luận để status đó liên tục hiện trên bảng tin của mọi người.

Hành vi bêu riếu con trên facebook của cha mẹ sẽ khiến trẻ mất bản lĩnh, tự chủ, mất lòng tin vào cha mẹ. Ảnh minh họa internet.

Cha mẹ bêu riếu con trên facebook vì nghĩ rằng làm như thế con sẽ xấu hổ với mọi người và sau này sẽ phải cố gắng, nỗ lực hơn. Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn, Hà Nội), đây là cách làm phản khoa học. Nhiều người nghĩ rằng trẻ rất sợ bị phê bình, chửi mắng, xúc phạm trước mặt đông người nên nếu bị “bêu xấu” trước đám đông, trên mạng xã hội sẽ không tái phạm. Nhưng trẻ cũng có sĩ diện và lòng tự trọng như người lớn. Khi chúng bị người thân xúc phạm trước mặt mọi người đồng nghĩa với việc cái tôi và lòng tự trọng bị tổn thương.

“Sai lầm của trẻ có thể chỉ rất nhỏ nhưng khi nhiều người biết, bình luận thì lại thành chuyện rất lớn. Cách dạy này phản tác dụng và còn có thể gây ra những hậu quả thương tâm. Khi bị xúc phạm trước đông người, trẻ cảm thấy xấu hổ cũng như bị đẩy đến đường cùng, có những hành động dại dột. Nhiều em có thể sinh tâm lý hằn học, chống đối, thậm chí là nuôi hận thù trong lòng. Chính hành vi này của cha mẹ sẽ làm con mất bản lĩnh tự chủ, mất lòng tin vào bố mẹ”, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất khẳng định.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn