Bố mẹ ly hôn con gồng mình để... sống

15:30 | 11/10/2016;
“Nhiều học sinh mà tôi gặp rất đáng thương. Chỉ vì lo cho mẹ, sợ mẹ thiệt thòi sau ly hôn mà em phải gồng lên để khiến mẹ vui. Thế nhưng, điều đó vượt quá sức chịu đựng của một đứa trẻ mới lớn…” - chuyên gia tâm lý độc lập Vũ Thu Hà chia sẻ.

Tổn thương - nguồn cơn của phát triển tâm lý lệch lạc

Nhiều năm hoạt động trong ngành tâm lý học, Thạc sĩ Vũ Thu Hà cho biết, nhiều đứa trẻ tìm đến bà trong trạng thái khủng hoảng tâm lý nặng nề sau khi bố mẹ ly hôn. “Bố mẹ chia tay, mẹ một mình vất vả nuôi hai chị em. Chỉ vì thương mẹ, thấy mẹ quá khổ sở, vất vả mà cô bé đã dồn toàn bộ năng lượng vào việc về nhà cố gắng không làm điều gì sai để mẹ vui. Nhưng vì vẫn là một đứa trẻ, vẫn phải có sai thì mới phát triển và trưởng thành được nên cô bé ấy vẫn bị mắc lỗi ở ngoài. Mâu thuẫn này vượt quá sức chịu đựng của em!” - Thạc sĩ Thu Hà kể lại.

Theo Thạc sĩ Vũ Thu Hà, giáo dục con cái sau ly hôn luôn là bài toán khó với nhiều bậc phụ huynh. Tùy tính cách, cá tính, mỗi bé sẽ có những xu hướng tâm lý khác nhau sau khi bố mẹ ly hôn, nếu bố mẹ không chuẩn bị sẵn tâm lý cho con. Thường thì con sẽ cảm thấy không an toàn vì thiếu một trong hai người. Thứ hai, con thường có xu hướng ghét người gây ra việc ly hôn vì bé cho rằng bố/mẹ là người gây ra sự chia rẽ gia đình này.

 Trẻ vị thành niên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi bố mẹ ly hôn. Ảnh minh họa internet.

“Cũng có những đứa trẻ, đặc biệt là các bé gái, ở tuổi vị thành niên có xu hướng chấp nhận cuộc ly hôn và thương bố/mẹ - người phải chịu thiệt thòi. Như câu chuyện tôi chia sẻ ở trên, bé gái này đã phải gồng lên để bảo vệ mẹ, để làm mẹ vui nhưng chính điều đó đã ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ bởi nó vượt xa những gì mà một đứa trẻ phải chịu đựng” - bà cho biết.

So với các lứa tuổi khác, trẻ vị thành niên luôn có nhu cầu chia sẻ rất cao, vì thế thay vì làm đau con, cha mẹ cần khoan dung nhiều hơn với con. Đặc biệt với trẻ em gái, Thạc sĩ Vũ Thu Hà lưu ý, cha mẹ ly hôn khiến con tổn thương nhiều hơn và trở nên nhạy cảm hơn. Nhiều em vì lo lắng thái quá, lúc nào cũng sợ mẹ buồn mà quên đi học tập. Nguy hiểm hơn, những tổn thương này sẽ dẫn đến cảm giác mất tự tin, vô vọng, sợ hãi khi lo lắng tương lai của mình sẽ không hạnh phúc như bố mẹ.

Gần bên con

Từ những hệ lụy này, Thạc sĩ Vũ Thu Hà cho rằng, lựa chọn cách giáo dục con phù hợp sau khi ly hôn là điều mà các phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm.

Cha mẹ luôn nhớ, sự tổn thương nào cũng làm cho nhân cách của bé phát triển không bình thường. Văn hóa không tôn trọng nhau sau ly hôn và quan tâm đến cảm xúc của con là một vấn nạn. Nhiều bố mẹ thiếu chủ động trang bị kiến thức để giải thích cho con hiểu về sự thay đổi với con sau ly hôn.

Thay vì chia sẻ, khoan dung, bạo hành là “phong cách” thường thấy trong giáo dục con trẻ, dù nhiều khi chúng chẳng có lỗi gì. Các phụ huynh cần nhớ, hậu ly hôn, nên cố gắng để những đứa trẻ không phải chịu thêm tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần, hãy gần gũi bên con để lấp đi nỗi buồn, xoa dịu sự tổn thương trong trái tim non nớt của con. 

Một số lưu ý với phụ huynh về giáo dục con cái sau khi ly hôn:

- Bố mẹ cần tôn trọng con, chia sẻ cặn kẽ và rõ ràng với con lý do vì sao bố mẹ chia tay để con hiểu.

- Tuyệt đối không được nói xấu nhau trước mặt con. Dù không còn sống cùng với bố/mẹ, con vẫn có quyền được giữ nguyên hình ảnh, tình yêu và sự gắn bó với bố/mẹ như khi vẫn ở cùng một nhà.

- Tạo cơ hội nhiều nhất để con cái được gần bố/mẹ khi không được ở cùng để bù đắp tình thương và sự thiếu hụt cho con. 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn