Bố mẹ nghiện smartphone, đừng mong con yêu sách!

13:18 | 22/04/2017;
“Trẻ có thói quen bắt chước, thì người lớn phải làm gương. Cha mẹ hãy đọc sách, làm gương cho con trước nếu muốn con thích sách”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng – giảng viên khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định.
sach-2.png

Trong buổi tọa đàm Để trẻ yêu thích sách do Nhà sách Tân Việt tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng và nhà báo Phạm Thị Hoài Anh – tác giả 2 cuốn sách nổi tiếng Mỗi ngày 15 phút yêu con, Trái tim của mẹ đã chia sẻ, thảo luận cùng rất nhiều phụ huynh quanh vấn đề nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ.

Đọc sách = cơ hội tuyệt vời để bố mẹ gắn kết với con

“Nghiện” đọc sách cho con – đó là điều khiến nhà báo Phạm Thị Hoài Anh được nhiều người biết đến. Trong khi không ít ông bố bà mẹ thiếu quan tâm đến chuyện đọc sách cho con hay đọc sách cùng con thì suốt 7 năm qua, ngay từ khi con còn là bào thai, gần như ngày nào chị cũng dành ít nhất 15 phút để đọc sách cho con nghe.

“Với tôi, đọc sách cho con luôn là ưu tiên số 1. Tôi nhận thấy, từ những lần đọc sách, các con trở nên gắn bó với bố mẹ hơn. Các ông bố bà mẹ hiện đại rất bận rộn, thời gian dành cho con không nhiều. Có một thực tế là hiện nay giao tiếp giữa phụ huynh và con cái có nhiều trở ngại, lắm khi bố mẹ không phải là người con tin tưởng nhất. Vì vậy, thời gian cùng con đọc sách là cơ hội tuyệt vời để bố mẹ và con cái tương tác, gắn kết với nhau”, chị Hoài Anh cho biết.

do_choi_tre_em_cho_con_hoc_tap_tot.jpg
Đọc sách cùng con là một cách để bố mẹ gần gũi với con hơn

Theo chị Hoài Anh, từ những giờ đọc sách, các con sẽ chia sẻ với bố mẹ nhiều hơn và bố mẹ sẽ có cơ hội hiểu con hơn, có thể biết con đang suy nghĩ điều gì, vui buồn ra sao... để có thể biết cách dạy con phù hợp. Chị khẳng định: “Nếu như bố mẹ có được sự thấu hiểu, nhận được sự tin tưởng của con thì đó thực sự là nền tảng quan trọng để con có thể lớn lên vui vẻ, hạnh phúc và có những định hướng rõ ràng về bản thân”.

Nếu như chị Hoài Anh nhìn nhận lợi ích của việc đọc sách cho con ở vai trò người mẹ thì ở góc độ nhà sư phạm, PGS.TS Việt Hùng lại nhìn nhận việc đọc sách có nhiều mục tiêu. Trong đó, mục tiêu cơ bản nhất là giải trí. Thứ 2 là gắn với những lợi ích trước mắt, thiết thực của bản thân, chẳng hạn như phụ nữ mang thai tìm đến sách về thai kỳ, người cao tuổi quan tâm đến sách hướng dẫn phòng chống bệnh tật… Thứ 3 là gắn với tri thức, khoa học. Thứ 4 là là đạt đến đến giá trị của sự sáng tạo, ví dụ như từ đọc sách mà trở thành tác giả viết sách…

“Dụ” trẻ thích sách bằng cách nào?

Lợi ích của việc đọc sách là điều mà ai cũng nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, có một thực tế là rất nhiều phụ huynh rất muốn con mình đọc sách nhưng bản thân lại không dành thời gian cho sách. “Ngay cả các bố mẹ đến nhà sách dự tọa đàm Để trẻ yêu thích sách hôm nay, tôi để ý quan sát từ khi mới đến đây thì thấy mọi người chủ yếu lướt điện thoại. Tôi không biết trong điện thoại có bản ebook để chúng ta đọc không, nhưng nếu chúng ta quan tâm quá nhiều đến thiết bị truyền thông, điện tử thì chúng ta đang xa rời sách”, PGS.TS Việt Hùng nói.

Không chỉ bố mẹ, mà theo PGS.TS Việt Hùng, ngay cả trong nhà trường hiện nay cũng thiếu môi trường cho sách: “Ở không ít trường học, trong các giờ ra chơi, giải lao, các thầy cô trao đổi, bàn luận rất sôi nổi về mỹ phẩm, làm đẹp, các bộ phim… Hiếm thấy ai nói về một cuốn sách”. Ông khẳng định, nếu trên tay của thầy cô và của cha mẹ không cầm một cuốn sách thì đừng mong trẻ yêu sách.

Trẻ con vốn thích bắt chước, và để trẻ thích thú với sách, theo PGS.TS Việt Hùng, đầu tiên chính cha mẹ hãy đọc sách, làm gương cho con. Tiếp đó, phụ huynh nên tạo ra một không gian tràn ngập sách ngay trong ngôi nhà của chính mình. Sách có thể để không chỉ ở trên giá mà có thể ở nhiều góc trong nhà như cầu thang, đầu giường, góc học tập, trên kệ trang trí… “Trẻ với tay thấy sách thì sẽ có nhu cầu đọc sách hơn”, ông nói.

tan-viet.jpg
PGS.TS Việt Hùng và nhà báo Hoài Anh trong tọa đàm Để trẻ yêu thích sách và ra mắt CLB Làm bạn với sách

Còn theo nhà báo Phạm Thị Hoài Anh, ngoài việc đọc sách cho con và đọc sách cùng con mỗi ngày, một điều rất quan trọng để “dụ” trẻ đến với sách chính là chọn sách phù hợp với lứa tuổi. Khi con còn nhỏ, hay xé sách, bố mẹ có thể mua sách với chất liệu bền như sách vải, có hình ảnh đắp nổi sống động như đồ chơi. Ở tuổi mầm, nên thể mua sách tranh in ấn đẹp đẽ cho trẻ lật giở, xem tranh. Lớn hơn một chút, cha mẹ có thể cho trẻ tham gia các câu lạc bộ đọc sách để trẻ được truyền cảm hứng ham đọc sách từ bạn bè, từ các chuyên gia về giáo dục hay những người đứng lớp với các hoạt động hấp dẫn, thú vị.

Cũng trong buổi tọa đàm Để trẻ yêu thích sách, PGS.TS Việt Hùng cho biết, ông đang thực hiện dự án CLB Làm bạn với sách cùng Nhà sách Tân Việt. Cùng với các giáo viên nhiều kinh nghiệm của trường Chu Văn An, Đoàn Thị Điểm với nhiều hoạt động hấp dẫn, sôi nổi, ông tin các bé khi tham gia CLB sẽ thấy việc đọc sách thật thú vị chứ không hề buồn tẻ như các bé vẫn nghĩ. Đặc biệt, hiện tại CLB Làm bạn với sách đang miễn phí cho các em nhỏ đăng ký tham gia.

PTS.TS Việt Hùng hy vọng, sách sẽ trở thành người bạn thân thiết của trẻ nhỏ, giúp các con giảm bớt thời gian của các phương tiện truyền thông thụ động như tivi, máy tính, điện thoại, áp lực học hành…

Bôi mật ong, nước hoa vào sách

Ở các quốc gia phát triển trên thế giới, việc rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ được các bậc phụ huynh chú trọng ngay từ khi nhỏ. Như ở Israel – quốc gia có nền văn hóa đọc hàng đầu và nắm giữ phần lớn các giải Nobel trên thế giới hiện nay – các bậc cha mẹ còn bôi mật ong và nước hoa vào sách để dẫn dụ trẻ ham thích với sách vở từ nhỏ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn