Bố mẹ phải bán nhà mặt phố về quê tá túc vì con gái sống “tầm gửi”

22:13 | 31/12/2019;
Không biết có phải anh chị tôi luôn mong muốn con gái lớn lên có cuộc sống ung dung không mà khi sinh cô con gái đầu lòng, lại đặt tên cho con là Nhàn. Mà cũng chẳng hiểu sao, ngay từ bé nhìn Nhàn, ai cũng nói lớn lên Nhàn có "số hưởng".

Nhìn Nhàn đã thấy cuộc sống thong dong từ dáng đi, cách ăn nói. Nhàn đi đứng một cách đủng đỉnh, mỗi lần cất giọng để nói một điều gì đó cũng rất chậm rãi. Chưa bao giờ thấy Nhàn vội vã điều gì.

Trong học tập, dù rất thông minh nhưng Nhàn cũng chỉ học cầm chừng. Khi bạn bè trong lớp miệt mài ôn thi để được vào các trường đại học tốp đầu ở thành phố lớn thì Nhàn lại chỉ chọn cho mình một trường không tên tuổi ở thành phố nhỏ, nơi mình sinh sống. Khi cả nhà hỏi tại sao Nhàn lại lựa chọn như vậy thì Nhàn bảo, các bạn đi học xa phải một mình lăn lộn, nhiều bạn phải đi làm thêm, cuộc sống quá bận rộn, vất vả. Còn Nhàn học ở gần nhà, mọi việc đã có bố mẹ lo.

Ra trường, các bạn xấp ngửa tìm việc làm hoặc nhờ người xin việc thì Nhàn ung dung ngồi nhà, chịu khó ăn diện, kết nối giao thiệp rộng để tìm kiếm một người chồng biết làm ăn kinh doanh hoặc đi làm có thu nhập tốt. Cầu được ước thấy, sau một thời gian nỗ lực tìm kiếm, lựa chọn, Nhàn đã kén được chồng như ý.

Lúc mới lập gia đình, mọi người trong gia đình khuyên Nhàn kiếm một việc làm không cần thu nhập cao để vừa có thêm thu nhập, vừa đỡ "ươn" người. Thế nhưng, Nhàn bảo Nhàn phải tập trung sinh con, bao giờ sinh con xong rồi tính. Đến khi sinh con xong, con đã lớn, Nhàn lại bảo để dành thời gian sinh tiếp bé thứ hai.

Để tránh va chạm với mẹ chồng, Nhàn hầu như sang nhà mẹ đẻ ở. Con cái đã có mẹ đẻ trông nom. Người ta bảo "Con gái cái bòn" có lẽ đúng y chang trường hợp của Nhàn. Không chỉ ăn uống, mọi chi tiêu, sinh hoạt Nhàn đều ỷ lại vào bố mẹ đẻ. Hễ bố mẹ nhắc đến tiền đóng góp thì Nhàn nói, Nhàn không đi làm sao dám lấy tiền của chồng tiêu được? Mỗi lần bên nhà chồng có việc, giỗ chạp, đình đám, Nhàn lại xin tiền bố mẹ đẻ để "thị uy" với chồng và gia đình chồng.

Bố mẹ phải bán nhà mặt phố về quê tá túc vì con gái sống “tầm gửi”  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì không nói làm gì. Chuyện chỉ bắt đầu khi hai em trai của Nhàn đến tuổi trưởng thành, cưới vợ. Bố mẹ đến tuổi nghỉ hưu cũng không còn dư dả như trước. Số tiền ky cóp được cũng chẳng đáng là bao vì phải nuôi hai em trai của Nhàn ăn học, lại thêm cả gia đình nhỏ của Nhàn. Vợ chồng hai người em lương cũng chỉ ba cọc ba đồng. Tất cả đều sống chung dưới một mái nhà, thêm cả Nhàn thường xuyên tá túc, tổng cộng 7 người lớn, 6 trẻ nhỏ khiến cuộc sống trở nên ngột ngạt, bí bách. Mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh.

Thấy Nhàn kêu ca phàn nàn, mẹ chồng Nhàn khuyên Nhàn mua nhà ra ở riêng. Bà bảo, nếu số tiền lương của chồng tích cóp lâu nay chưa đủ thì bà sẽ cho thêm. Bà còn gợi ý Nhàn nên bàn bạc với bố mẹ đẻ nhượng lại căn nhà mặt phố đang ở, lấy tiền mua cho mỗi người em trai một căn hộ chung cư, là ổn.

Tiếc căn nhà cả đời mới gây dựng được nếu bán cho người ngoài, bố mẹ đẻ của Nhàn quyết định nhượng lại nhà cho Nhàn rồi về quê ở. Tiền nhượng nhà được chia đều cho cả 5: Bố mẹ, hai em trai và Nhàn. Như vậy, Nhàn chỉ phải trả lại cho bố mẹ và hai em 4 phần. Thế nhưng, khi đã sang tên sổ đỏ, mẹ chồng Nhàn lại lấy cớ phải huy động vốn làm ăn nên sẽ trả dần khi có điều kiện. Không những thế, bà còn mượn luôn ngôi nhà mặt phố đó để kinh doanh. Vậy là bố mẹ Nhàn chỉ đủ tiền mua hai căn hộ chung cư cho hai người em trai của Nhàn.

Vốn dĩ từ trước tới nay, Nhàn chưa bao giờ quyết hay tự làm một việc gì nên chỉ còn biết răm rắp nghe theo lời mẹ chồng. Chỉ thương bố mẹ đẻ của Nhàn về quê không có tiền xây nhà, phải sống trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, bỏ hoang không có người ở đã lâu với đồng lương hưu hạn hẹp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn