Những vụ việc đau lòng
Những ngày vừa qua, dư luận vẫn bàng hoàng trước vụ việc đau lòng xảy ra tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, khi người chồng đánh vợ thập tử nhất sinh. Trong lúc người nhà đang chăm sóc cho người vợ ở bệnh viện thì người chồng này đã mua xăng về rồi tự tẩm vào người mình và 3 cô con gái (một cháu 9 tuổi, một cháu 7 tuổi, một cháu 5 tuổi), sau đó châm lửa đốt. Hậu quả cả 4 bố con tử vong.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc đau lòng như vậy. Thời gian qua, có nhiều vụ cha mẹ do mâu thuẫn gia đình hay vì lý do nào đó mà muốn tìm đến cái chết để giải thoát nhưng lại bắt con nhỏ phải chết cùng. Mới đây nhất là vụ người phụ nữ để lại thư tuyệt mệnh rồi treo cổ 2 con (một cháu 6 tuổi, một cháu 4 tuổi) cùng chết ở tỉnh Ninh Thuận. Nội dung bức thư cho biết, người phụ nữ này tìm đến cái chết vì bế tắc với căn bệnh mất ngủ hơn 3 tháng qua, sợ không lo được tương lai cho các con nên đã đưa các con tìm đến cái chết.
Trước đó, vụ việc người mẹ ở Hải Phòng cũng do mâu thuẫn gia đình, đã đưa 2 đứa con trai (một cháu 9 tuổi, một cháu 6 tuổi) lên một cây cầu thuộc huyện Tiên Lãng, sau đó ôm 2 đứa trẻ nhảy xuống sông tự tử. Vài ngày sau, cơ quan chức năng mới tìm thấy thi thể 3 mẹ con.
Có lẽ những bậc làm cha, làm mẹ trong những vụ án đau lòng trên đã có một tâm thế bị lệch hướng nên có những ứng xử, hành động dẫn đến tội ác. Những vụ án trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức xã hội cũng như đạo lý làm người. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau lòng trên nhưng bất luận thế nào, việc người lớn kéo theo con trẻ chết cùng là việc làm quá nhẫn tâm.
Cha mẹ không có quyền lấy đi mạng sống của con trẻ
Người lớn có thể đưa ra hàng trăm ngàn lý do để biện minh cho hành động của mình. Nào là "lo không có ai chăm sóc con", "không muốn con khổ", không muốn những đứa trẻ lớn lên phải sống trong mặc cảm khi có bố mẹ như vậy, tự tử là cách để con khỏi bơ vơ, thậm chí có người còn suy nghĩ đó là cách để trả thù đối phương đã đối xử tệ bạc với mình... Nhưng xin nhắc lại là không có lý do nào có thể chấp nhận được với hành động nhẫn tâm đó.
Ở góc độ pháp luật, hành động của họ vi phạm pháp luật vì tước đi mạng sống của người khác. Pháp luật cũng đã có quy định rõ khung hình phạt cho những hành động này. Nhưng khi người ra tay với những đứa trẻ cũng không còn nữa thì nỗi đau này có lẽ sẽ dằn vặt, đeo đẳng người ở lại đến suốt cuộc đời.
Khi những đứa trẻ được sinh ra, đó không chỉ là hạnh phúc mà còn là niềm hy vọng của gia đình. Với bản năng của con người, cha mẹ luôn dành cho con tất cả mọi yêu thương và những gì tốt nhất có thể. Thậm chí có những người mẹ đã hy sinh mạng sống của mình để con được chào đời. Câu chuyện của mẹ con bé Bình An (ở Hà Nam) đã khiến nhiều người xúc động về tình mẫu tử. Người mẹ này bị ung thư giai đoạn cuối, phải thở máy nhưng vẫn chấp nhận mạo hiểm để sinh con, kể cả khi bác sỹ cảnh báo hành động của cô có thể phải trả giá bằng tính mạng của mình. Tình mẫu tử bao giờ cũng thiêng liêng, cao cả. Người mẹ đó đã vượt lên tất cả để sinh con và thật may mắn, sau gần 3 năm, chị vẫn được nhìn con khôn lớn mỗi ngày. Thế mà, thật đáng buồn khi vẫn có những sự việc đau lòng xảy ra khi những người mẹ, người bố vì mâu thuẫn gia đình hay vì một lý do nào đó đã tự kết liễu đời mình và những đứa con vô tình trở thành công cụ của người lớn để "trả thù" nhau.
Những vụ việc kể trên không chỉ để lại nỗi đau cho người thân, gia đình họ mà còn là sự day dứt của cả xã hội. Day dứt bởi sự nông nổi, thiếu suy nghĩ của những người làm cha, làm mẹ khi họ quyết định sinh ra những đứa con nhưng lại thiếu trách nhiệm bảo vệ, nuôi dưỡng chúng. Sự ích kỷ của người lớn khi sẵn sàng làm mọi thứ chỉ vì cái tôi cá nhân mà không nghĩ đến những đứa con. Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, họ dễ dàng chấm dứt cuộc sống của mình và tước đoạt cả mạng sống của con cái. Cho dù vì bất cứ lý do gì thì trước hết mỗi người làm cha, làm mẹ khi đã cho những đứa trẻ cơ hội có mặt trên đời phải có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy chúng và không có quyền lấy đi mạng sống của trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn