Có một căn phòng nhỏ của riêng mình là mơ ước của bất kì em bé nào. Không gian ấy không cần quá rộng, chỉ cần đủ để cho con được vận động, vui chơi, học tập và làm bất cứ điều gì mà con thích. Với chị Bội Uyên (28 tuổi, sống tại Đắk Lắk), món quà mang đến cho con trai là Phú Tường (biệt danh Sữa, 2 tuổi) cũng có ý nghĩa như thế.
Chị Uyên luôn mong con có một phòng chơi riêng, thích nhìn con tự tìm tòi, khám phá mọi thứ xung quanh, được trải nghiệm những điều tuyệt vời và phù hợp nhất với lứa tuổi của bé. Quá trình lên ý tưởng và hoàn thiện trong khoảng 3 tuần và thành quả là một căn phòng xinh xắn, gọn gàng, an toàn và đầy đủ công năng.
"Mình rất thích cảm giác được chơi cùng con, học cùng con, đọc sách cùng con, nên quyết định làm 1 không gian riêng cho bé. Những khi mình bận công việc thì con vẫn có thể tự chơi được.
Khi làm phòng cho con, mình ưu tiên chất liệu an toàn, không gian thoáng mát, sạch sẽ. Phòng dù không rộng lắm nhưng con rất thích, đặc biệt là khu vực chơi. Bé nhà mình chỉ ngủ riêng vào buổi trưa thôi. Vợ chồng mình bỏ ra khoảng 10-15 triệu cho đồ chơi, học liệu. Số tiền này trích từ tiền mừng tuổi của con và tiền công mỗi khi con đi chụp ảnh quần áo, sữa...", chị Uyên tâm sự.
Hai vợ chồng chị Uyên muốn tặng cho con một phòng chơi để bé được phát triển toàn diện. Ở giai đoạn 1-2 tuổi, em bé Sữa có thể di chuyển nhiều hơn nên chị Uyên đã cất quây cũi, cho con được bò và thoải mái vận động trong phòng. Bà mẹ trẻ hiểu rằng giai đoạn này cần cho con tự trải nghiệm và làm những gì bé thích, thậm chí là ném đồ, nghịch ngợm, làm vỡ đồ thường xuyên.
Những món đồ xinh yêu.
Vì phòng không quá lớn, các đồ đạc được sắp xếp gọn gàng nên việc dọn dẹp chỉ mất khoảng 15-20 phút/ ngày. Em bé Sữa rất tự giác trong việc dọn dẹp đồ chơi. Tuy nhiên, con càng lớn càng cần những đồ chơi phù hợp hơn nên số lượng đồ trong phòng ngày một nhiều. Và chị Uyên sẽ dọn dẹp bằng cách cất bớt các món đồ cũ, bổ sung đồ chơi và học liệu mới. Sau 2 tuần, bà mẹ trẻ lại luân phiên đổi đồ chơi 1 lần vừa tiết kiệm lại tăng sự mới mẻ.
"Món nào quá tuổi chơi của con thì mình sẽ cất riêng để sau mang đi tặng lại cho các bạn không có điều kiện hoặc nơi chăm sóc các em bé cơ nhỡ chứ không thanh lí. Thường thì tình trạng phòng chơi bừa bộn là chuyện hết sức bình thường, nhưng những lúc như vậy mình thường ngồi dọn dẹp rồi bày biện lại, xong sẽ khoá cửa phòng chơi 1-2 hôm để nhắc nhở lại bạn lần sau không bày bừa nữa", chị Uyên tâm sự về phương pháp rèn sự gọn gàng cho con.
Những món đồ chơi xinh xắn và an toàn cho bé.
Sau mỗi lần như thế, cậu bé Sữa đã biết nghe lời mẹ hơn, dọn dẹp sau khi chơi xong và không bày bừa lung tung nữa.
Tiêu chí hàng đầu trong việc thiết kế phòng chơi cho bé là an toàn. Chị Uyên ưu tiên chọn loại đồ chơi có nguồn gốc tự nhiên, vừa đảm bảo an toàn, rơi không vỡ, không có mùi nhựa.
Những cuốn sách được sắp xếp ngay ngắn trên bàn.
"Mẹ hiểu cho dù áp dụng bất kỳ phương pháp giáo dục nào thì mẹ cũng đều cần sự kiên nhẫn, tình yêu thương và hỗ trợ con. Mẹ tin mối quan hệ được xây đắp bằng tình yêu thương sẽ giúp Sữa trở thành một em bé Hạnh Phúc. Sữa cũng sẽ có tâm lý thoải mái, suy nghĩ tích cực, hành động đúng đắn và cư xử tốt hơn", chị Uyên nhắn gửi đến con trai nhỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn