Chia sẻ về câu chuyện của mình, chị cho biết, vợ chồng chị có 2 con. Con trai lớn sinh cuối năm. Thế nên, so với các bạn, con có quá nhiều điểm non nớt. Biết con không bằng các bạn nhưng chị không dám cho con đi học chậm tuổi. Chị lo con sẽ tự ti khi mình hơn tuổi các bạn trong lớp.
Cho con đi học đúng tuổi khiến 6 năm đi học của con là 6 năm cả bố mẹ và con đều vô cùng vất vả. Con trai cứ đi học về là vợ chồng chị lại kèm con học. Trước một đứa trẻ học chậm, nói trước quên sau, chị và chồng phải sử dụng đủ các biện pháp: quát mắng, nịnh nọt, nhắc nhở, thưởng…, thậm chí đánh con rất nhiều.
Chị cho con học thêm, học gia sư, học phụ đạo… chỉ mong con theo kịp bạn bè. Con suốt ngày chỉ học, nhưng vẫn luôn ở vị trí cuối lớp. Ngày nào, chị cũng nhận được tin nhắn mắng mỏ, kể tội con trai từ cô giáo. Có năm, cô giáo chán đến mức không tương tác với phụ huynh.
Lên lớp 6, con được học thầy giáo chủ nhiệm rất tâm lý và giúp con rất nhiều. Thế nhưng, tình hình của con vẫn không khá hơn là bao. Cuối năm, thầy giáo khuyên chị nên cho con đúp lại một năm để trau dồi kiến thức. Có như vậy, con mới theo được các bạn. Nếu không, con sẽ thụt lùi mãi phía sau và không thể thi cấp 3 được.
Nghe thầy giáo nói, chị đã khóc rất nhiều. Tối đó, vợ chồng chị nói chuyện với con rất lâu. Mọi người trong nhà đều buồn, không khí vô cùng nặng nề. Thế rồi, cậu con trai quyết định sẽ học lại lớp 6. Con nói, sẽ thử cố gắng thêm lần nữa.
Khỏi phải nói lúc đó chị buồn đến thế nào. Chị luôn nghĩ đến sự chê cười của mọi người, sự thất vọng của người thân. Đặc biệt, chị sợ con sẽ tự ti. Đêm đó, vợ chồng chị đã thức trắng, tìm đọc các bài viết của chuyên gia giáo dục và quyết định nghe theo thầy.
Cậu con trai đã trải qua năm lớp 6 lần 2 thật đặc biệt. Con học nhẹ nhàng hơn hẳn vì các bài con đều học rồi. Bài tập con làm dễ dàng hơn nên ngày càng tự tin. Con được các bạn rất yêu quý và gọi là anh vì con hiền lành. Con cũng tự giác học hơn chứ không cần bố mẹ phải nhắc nhở.
Chị cho biết, cũng có kiến thức con bị hổng nhưng con đã biết tìm thầy chủ nhiệm cũ để hỏi bài. Thầy nhiệt tình giảng giải cho con. Thậm chí, thầy còn hỏi kỹ các giáo viên khác xem con hổng kiến thức nào để trang bị cho con.
Từ một đứa trẻ luôn đội sổ, vậy mà năm lớp 6 lần 2 con đã có tiến bộ vượt bậc, con suýt trở thành học sinh giỏi, nhưng do môn Văn chưa đủ điểm. Điều khiến chị bất ngờ là sau lần đúp lớp, con trưởng thành và hiểu biết nhiều hơn. Chị nhận ra, sau một lần vấp ngã, khó khăn đã giúp con nhìn lại mình. Giờ vợ chồng chị không phải quá lo lắng dù con đang ở tuổi teen- tuổi dở dở ương ương dễ nổi loạn.
Từ câu chuyện của mình, chị muốn chia sẻ với các bố mẹ có con học kém, nếu con mình chưa vững, bố mẹ hãy mạnh dạn cho con đúp lại. "Đừng vì lo sợ hình ảnh gia đình hay sợ dư luận mà ép con lên lớp khi con không đủ khả năng. Làm vậy chỉ càng khiến đứa trẻ chán học và... chán đời".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn