Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Thanh nhạc của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, chị H'Uyên Niê (trú tại làng Ia Lốk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (TP Pleiku, Gia Lai). Khoảng thời gian này, chị được xem là giọng hát "vàng anh" của núi rừng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, sau khi lập gia đình, H'Uyên Niê từ bỏ con đường nghệ thuật chuyển về công tác tại xã Ia Mơ Nông và bắt tay cùng bà con làm du lịch. Vốn xuất thân từ con đường âm nhạc, nghệ thuật nên chị nhận thấy vùng đất Ia Mơ Nông có rất nhiều nghệ nhân tài hoa, giỏi nghề dệt, đan lát... mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Jrai.
Chị H'Uyên Niê bộc bạch: "Bà con ở trong làng thường đan gùi, dệt thổ cẩm để dùng hàng ngày. Tuy nhiên dưới tác động của thời gian và sự phát triển của xã hội đã khiến cho những giá trị văn hóa này ngày một mai một. Chính vì vậy đã thôi thúc tôi phải nỗ lực tìm ra một con đường để "cứu sống" được giá trị văn hóa mang bản sắc này, ít nhất là trong ngôi làng tôi đang sống".
Nói là làm, H'Uyên Niê đã mạnh dạn đề xuất họp chị em phụ nữ và xin ý kiến giữ gìn, phát huy nghề truyền thống. Thấy bà con trong làng còn nghi ngại, chị đã cùng các già làng uy tín đến từng góc bếp, khung dệt để vận động những người dân thành lập tổ, nhóm. H'Uyên Niê còn hứa sẽ làm hết sức mình để bán tất cả các đồ của bà con làm ra, bởi chị hiểu rõ phải tạo ra thu nhập thì mới mong bà con gắn bó với nghề.
Sau nhiều thời gian trăn trở, H'Uyên Niê đã mạnh dạn kết hợp nghề truyền thống với du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Việc làm đó vừa giới thiệu cái đẹp của buôn làng đến du khách trong, ngoài nước vừa mang lại thu nhập cho bà con.
Mới đầu, chị H'Uyên Niê vận động chỉnh trang lại giọt nước làng, khu nhà mồ, nhà rông truyền thống, lòng hồ Ia Mơ Nông và xây dựng, thành lập các tổ nghệ nhân chuyên đánh cồng chiêng, dệt, đan lát, giã gạo, sàng lúa, kết hợp với ẩm thực dân tộc như gà nướng, cơm lam, rượu cần… Sau đó, chị bắt đầu thành lập mô hình "Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông".
"Ngoài mong muốn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương, việc thành lập làng văn hóa du lịch còn bảo tồn, gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Jrai như: Cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán; kết hợp những cảnh đẹp tự nhiên của địa phương để phát triển du lịch. Từ đây, mọi người trong xã Ia Mơ Nông đã cùng xây dựng nên những tour tham quan trải nghiệm thực tế", chị H'Uyên Niê cho hay.
Theo đó, du khách đến với tour sẽ được trải nghiệm các món ăn truyền thống Jrai; được dùng sản phẩm làm từ mây tre đan thủ công, mặc thổ cẩm được dệt tinh xảo, với những hoa văn đặc trưng.
Trung bình mỗi năm,"Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông" thu hút hơn 5.000 khách du lịch (trong đó, lượng khách nước ngoài chiếm tới khoảng 40%) đến trải nghiệm không gian văn hóa và thưởng thức ẩm thực Tây Nguyên. Nếu như trước đây, người dân trong xã chỉ biết làm nông thì nay đã biết làm du lịch. Chính mô hình do H'Uyên Niê đã tạo sinh kế cho nhiều chị em phụ nữ và người dân trong xã, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Ông Rơ Châm Mir (nghệ nhân dệt thổ cẩm làng Kép 1, Ia Mơ Nông) vui vẻ nói: "Từ ngày có Uyên, tôi lại tiếp tục được dệt thổ cẩm mà không phải lo cái ăn cái mặc. Khách đặt hàng thổ cẩm, bà con có tiền để yên tâm ở nhà dệt. Hơn nữa, tôi rất vui khi cùng con cháu trong làng lan tỏa nghề dệt thổ cẩm đến tất cả mọi người".
Hiện H'Uyên Niê đang cùng với chính quyền vận động, khuyến khích lớp trẻ học cồng chiêng, học dệt đan lát để kế thừa và phát huy. Đồng thời, xây dựng đội cồng chiêng trẻ, tổ chức lớp dạy dệt thổ cẩm… Có vậy, bà con buôn làng mới có thêm thu nhập và đưa nét văn hoá truyền thống, sản phẩm thủ công của người Jrai giới thiệu đến đông đảo du khách gần xa, góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp của văn hoá dân tộc".
Để phát triển hơn nữa mô hình du lịch cộng đồng giúp người dân vươn lên thoát nghèo, chính quyền địa phương, trong đó có Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã và đang tạo điều kiện cho các thành viên trong mô hình thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác, hỗ trợ quảng bá sản phẩm du lịch…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn