Cuộc thi thiết kế bộ nhận diện các sản phẩm truyền thông cho Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình được phát động từ tháng 3/2019. Cuộc thi lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về xây dựng cuộc sống bình đẳng và không bạo lực, đồng thời huy động cam kết của các tổ chức, cơ quan liên quan trong việc phối hợp triển khai các hoạt động, sử dụng thống nhất bộ nhận diện các sản phẩm truyền thông của Tháng hành động.
Ngày 24/9, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã tổ chức lễ công bố kết quả cuộc thi thiết kế bộ nhận diện Tháng hành động.
Tác phẩm đạt giải nhất thuộc về tác giả Lưu Tuấn Anh với mức giải thưởng 50 triệu đồng. Bộ sản phẩm đạt giải này sẽ được Ban tổ chức lựa chọn làm bộ mẫu truyền thông gửi tới các bộ, ngành, địa phương để áp dụng thống nhất trong Tháng hành động. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao giải khuyến khích cho 2 tác giả khuyết tật và người dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại lễ trao giải, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Phạm Ngọc Tiến (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, bạo lực trên cơ sở giới được xem như là một trở ngại lớn trong việc giảm bất bình đẳng giới ở Việt Nam và nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái bắt nguồn từ tư tưởng định kiến giới.
Với một quốc gia mang đậm văn hóa Nho giáo, việc thay đổi văn hóa truyền thống trọng nam hơn nữ không phải là một việc làm đơn giản, có thể thực hiện trong một sớm một chiều mà đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân.
Còn theo ông Lưu Tuấn Anh - Tác giả đoạt giải nhất cuộc thi, những vụ bạo lực gia đình vẫn xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta mà nạn nhân chủ yếu vẫn là phụ nữ. Đó là một thực trạng xã hội đáng buồn cần phải thay đổi. Muốn phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cần hội tụ nhiều yếu tố: Cần phải nâng cao ý thức về bạo lực giới ở trong xã hội. Người phụ nữ cần phải lên tiếng khi bị bạo lực, không được im lặng vì điều này sẽ có hại cho chính họ và cho xã hội. Thái độ của mọi người trong xã hội phải bày tỏ quan điểm rõ ràng bảo vệ nạn nhân, chưa kể đến vai trò pháp luật. Đó là lý do mà ông Tuấn đặt hết lòng nhiệt huyết vào sự sáng tạo trong bộ nhận diện Tháng hành động.
Ông Tuấn Anh đã đưa những họa tiết đa tầng vào tác phẩm. “Logo có sẵn mang hình trái tim và ruy băng trắng nên tôi chọn 2 đường nét thẳng để đồng nhất với hình ảnh ruy băng trắng và một đường cong theo hình trái tim bao bên ngoài. Đường thẳng thể hiện sự nam tính, mạnh mẽ và hướng nam giới tham gia vào việc bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực. Đường cong đại diện cho phụ nữ, thể hiện tính mềm mại, mang nhiều cảm xúc từ trái tim”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Cùng trong sự kiện là Hội thảo tham vấn Kế hoạch truyền thông Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2019 nhằm trao đổi các nội dung về xây dựng Kế hoạch tài liệu, hướng dẫn triển khai Tháng hành động cho các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương trên cả nước. Các hoạt động của Tháng hành động cần được tổ chức thiết thực, hiệu quả, lồng ghép với các sự kiện khác để tạo hiệu ứng về truyền thông. Chú trọng các hoạt động ở cấp cộng đồng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, tổ chức các hội thảo, tập huấn và các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; Điều phối, kết nối các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động được tổ chức bởi các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Ngoài ra, tổ chức gặp mặt và biểu dương những điển hình, điểm sáng và cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Chỉ tiêu hướng đến trong Tháng hành động là phấn đấu đạt 18.500 hoạt động hưởng ứng được tổ chức trên toàn quốc với hơn 1.200.000 lượt người tham dự (tăng 15% so với năm 2018). Mặt khác, phấn đấu có 43.000 lượt truyền thanh, gần 1.500 phóng sự, tin bài, chuyên mục trên sóng truyền hình và khoảng 4.600 tin bài trên báo in, báo điện tử, bản tin, trang thông tin điện tử…