Anh Nguyễn Minh Thái, trú tại Hải Dương, cho biết, nghe nói một số loại côn trùng có tác dụng bổ dương nên anh đã bỏ tiền sưu tầm. Hiện nay, anh đã sưu tầm được 2 bình rượu ngâm con bổ củi, 3 bình rượu ngâm con mối chúa.
"Tôi thấy bảo uống rượu ngâm con bổ củi sẽ có sức khỏe dẻo dai trong quan hệ tình dục. Hay như con mối chúa, nó chỉ có nhiệm vụ là sinh sản để duy trì nòi giống. Do đó, chỉ cần ăn vài con, "chuyện ấy" có thể nói là muốn gì được đó", anh Tài chia sẻ.
Chia sẻ về thực phẩm "bổ dương" mà mình đã từng ăn, anh Lê Ngọc Hùng (Quảng Ninh) kể một loạt món như cà cuống chiên, đuông dừa, rượu ngâm ve sữa…
Anh Hùng cho biết, trong một lần tiếp khách, đối tác đã dẫn anh đi ăn món lẩu "hà nàm" (bào thai rắn) với lời quảng cáo là "thần dược cường dương". Nghe thấy lạ, anh cũng hào hứng thử. Theo đó, trứng rắn đã được ấp (đã phát triển thành rắn con), sau khi làm vỡ vỏ được nhúng vào nồi nước dùng, rồi ăn luôn.
Món này phải đợi đến mùa rắn sinh nở mới có, mỗi năm chỉ 1-2 lần nên giá lên đến cả trăm ngàn đồng/quả. Nhà hàng này quảng cáo, "nếu muốn tráng kiện và dẻo dai, hà nàm phải được hấp với rượu gạo, mới có tác dụng triệt để".
Cũng như anh Tài, anh Hùng, nhiều người đã bỏ hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng để mua côn trùng ngâm rượu với mong muốn "tăng cường bản lĩnh đàn ông". Được biết, các loại côn trùng bị săn lùng để làm "thần dược" nhiều nhất là sâu chít, sâu tre, sùng đất, đuông dừa, mối chúa, ve sữa, bọ bổ củi, cà cuống, sâu quế, trứng kiến gai đen…
Các loại côn trùng này có thể chế biến thành món ăn nhưng ngâm rượu là phương thức được lựa chọn nhiều nhất.
Tuy nhiên, khi được hỏi về cơ sở khoa học của loại "thần dược" này, nhiều người đều thừa nhận, họ chỉ nghe nói, được bạn "rỉ tai là con này bổ, con kia tốt", chứ không biết nó có tác dụng thật hay không.
GS. Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam, cho biết, việc sử dụng côn trùng để tăng sinh lực nam giới thường dưới 3 hình thức: Chế biến các món ăn (chủ yếu xào, chiên rán) và ngâm rượu; làm một vị thuốc trong các bài thuốc Đông y; chiết xuất hay tinh chế thành một sản phẩm như sữa ong chúa. Tuy nhiên, đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào về tác dụng của việc này.
Thực tế, nhiều người không biết chế biến nên thường "tiện" đâu làm đó, trong đó cách phổ biến là ngâm rượu côn trùng. Việc ngâm rượu với các loại côn trùng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc rất cao. PGS. TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, khi đem các loại côn trùng, thực vật hoặc động vật ngâm rượu, đặc biệt là các loại có độc tính cao thì phải có chỉ định của thầy thuốc hoặc chuyên gia y tế.
Bởi những loài có độc khi đem ngâm rượu thì độc tính sẽ tán ra, hòa vào rượu, khi người uống vào rất dễ bị ngộ độc. "Rượu thường chỉ khoảng trên dưới 40 độ, nếu dùng để ngâm xác động vật sẽ không đủ nồng độ làm chín con vật. Do đó, quá trình ngâm, xác động vật sẽ bị thối rữa, sinh ra các vi sinh vật và độc tố, uống vào có thể gây ngộ độc hoặc nhiễm bệnh", PGS, TS. Phạm Duệ cho hay.
Còn theo lương y Nguyễn Thanh Hóa (Hội Đông Y Hà Nam), một số loài côn trùng trong tự nhiên có thể là vị thuốc quý. Tuy nhiên, nếu không biết cách dùng hoặc dùng bừa bãi thì có thể trở thành thuốc độc.
Ngoài ra, phải biết rõ loài nào là vị chính, loài nào là vị phụ để phối hợp với nhau cho đúng thì mới phát huy hiệu quả. Đó là chưa kể, một số loài côn trùng có thể nhiễm chất độc từ môi trường sống vào cơ thể. Khi đem ngâm rượu, số chất độc đó sẽ tán xạ ra rượu, gây hại cho người uống.
"Với các loại rượu ngâm côn trùng cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định là thuốc chữa bệnh. Nó chỉ trở thành "thần dược" qua lời đồn đại mà thôi", lương y Nguyễn Thanh Hóa nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn