Bỏ rơi sản phụ ven đường, tài xế có phạm luật?

11:12 | 21/08/2019;
Vụ việc tài xế bỏ rơi sản phụ trong lúc có dấu hiệu trở dạ sinh con tại Bình Phước đã gây nhiều bức xúc với mọi người. Vậy trách nhiệm pháp lý với sự việc này như thế nào khi hậu quả là đứa bé sau khi sinh ra tử vong?

Theo Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Về mặt sinh học các chức năng sinh lý của các cơ quan trong cơ thể thai nhi về cơ bản đã trưởng thành và có thể thích ứng với cuộc sống độc lập ngoài cơ thể mẹ sau khi sinh. Do đó, vẫn phải coi đấy là một con người đúng nghĩa. Tuy về mặt pháp luật chưa có quy định chính thức thai nhi là một con người nhưng pháp luật lại có những quy định gián tiếp thừa nhận quyền lợi của một thai nhi như một con người - một chủ thể:

 

ec67b7d6e1f14452f776932a661667fb.jpg
Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

 

Theo khoản 1 Điều 660 Bộ luật Dân sự quy định: Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng”.

Hơn nữa tại các Điều 36, Điều 40, Điều 51, Điều 123 Bộ luật Hình sự quy định về việc “Bảo vệ trực tiếp quyền lợi của những thai nhi còn chưa chào đời trước những hành vi xâm hại, đồng thời gia tăng khung hình phạt và xác định tình tiết tăng nặng đối với trường hợp xâm phạm đến phụ nữ mang thai”.

Như vậy, theo Luật sư, hành vi người lái xe bỏ rơi sản phụ đang có dấu hiệu trở dạ sinh con dẫn đến cháu bé sinh ra sau đó tử vong có dấu hiệu giống hành vi cấu thành tội phạm. Cụ thể “Tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” được quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015.

 

san-phu-bi-bo-ben-duong.jpg
Sản phụ chuyển dạ sinh con bên đường, bé tử vong sau khi sinh.

 

Tuy nhiên, vấn đề pháp lý đặt ra hậu quả tử vong là đứa bé chứ không phải sản phụ, mà người bị bỏ lại là sản phụ chứ không phải đứa bé. Trong tình huống này, người tài xế không thể biết hoặc chứng kiến đứa bé đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng vì khi đó cháu bé chưa được sinh ra nên không thể áp dụng quy định này để xử lý hình sự đối với tài xế, còn thai nhi thì chưa được pháp luật cộng nhận là “con người”. Hậu quả xảy ra là đứa bé bị chết nhưng sản phụ chỉ bị kiệt sức sau sinh và hiện tại sức khỏe tạm ổn hậu quả tử vong là không xảy ra. 

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, vụ việc trên được xem là một bài học cảnh tỉnh trước sự “vô cảm” của một số thành phần trong xã hội, họ vì một vài nguyên do nào đó mà đánh mất lương tâm và để lại nỗi đau thương cho người khác. Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng cần đề cao hơn nữa những tấm gương đạo đức, nhân văn giúp người gặp nạn và phê phán, lên án các trường hợp vô cảm với sự an nguy của người khác. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn