Bỏ sổ hộ khẩu: Làm gì để không gây xáo trộn?

06:55 | 02/05/2020;
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (cơ quan thẩm tra), đã đề nghị cơ quan soạn thảo Dự án Luật cư trú sửa đổi (Bộ Công an) đánh giá rõ hơn tác động đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính này và giải pháp thay thế khi không còn sổ hộ khẩu để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước.

Đó là nhận xét của rất nhiều chuyên gia lẫn người dân xung quanh đề xuất này của Bộ Công an trong Dự án Luật cư trú (sửa đổi) vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến. Đây không phải lần đầu vấn đề bãi bỏ hộ khẩu giấy được nhắc đến, tuy nhiên việc này vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt và chờ đợi của dư luận, bởi hàng chục năm qua, sổ hộ khẩu là rào cản khá lớn đối với các hoạt động hành chính của nhân dân.

Theo đó, trong Dự thảo lần này, Bộ Công an đề xuất bỏ toàn bộ hoặc một phần thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu giấy như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu... Bộ Công an cũng đề xuất bãi bỏ sổ tạm trú và thay thế thông qua hình thức mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Việc sửa đổi Luật Cư trú nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Đồng thời thực hiện chủ trương hiện đại hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác quản lý dân cư; bảo đảm tốt hơn nữa tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về cư trú.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự đổi mới trong dự thảo Luật vì xu hướng quản lý bằng số định danh cá nhân là tiến bộ. Đây là bước chuyển quan trọng, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà còn giúp Nhà nước ngăn ngừa tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý về dân cư.

Theo Chủ tịch Quốc hội, người dân khổ sở về sổ hộ khẩu. Người nghèo tha phương lên thành phố lao động nhưng con cái không đi học được vì không có sổ hộ khẩu. "Phải tạo thuận lợi cho người dân, nâng cao quản lý Nhà nước về quản lý dân cư", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khi thay đổi phương thức quản lý từ sổ hộ khẩu sang số định danh cá nhân sẽ tác động, ảnh hưởng đến rất nhiều quy định về giấy tờ, thủ tục hành chính nên Ban soạn thảo cần rà soát để đảm bảo phù hợp, khả thi, để Luật ra đời không bị vướng mắc, ách tắc.

Việc sửa đổi Luật cũng nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ của công dân; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Theo dự thảo luật, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải thẩm định, cập nhật thông tin địa chỉ thường trú mới của người đăng ký vào cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin. Trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời cho người đăng ký bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Theo đánh giá của Bộ Công an, sau khi chuyển sang quản lý hộ khẩu điện tử, công dân có quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, bí mật gia đình; được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan việc thực hiện quyền cư trú của bản thân theo yêu cầu...

Ngoài ra, công dân sẽ có quyền tra cứu thông tin về đăng ký cư trú của bản thân và cấp giấy tờ xác nhận về cư trú, được yêu cầu cơ quan Nhà nước bảo vệ quyền cư trú của mình.

Tại buổi họp vào ngày 22/4 vừa qua, hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với đề xuất thay đổi phương thức quản lý cư dân bằng mã số định danh cá nhân thay cho sổ hộ khẩu bằng giấy.

Đánh giá cao sự thay đổi trong Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), một chuyên gia trong lĩnh vực này nhận xét, đây là bước cải cách thủ tục thiết thực và quan trọng, tạo điều kiện để người dân thực hiện các quyền công dân của mình, đồng thời giúp việc quản lý cư dân, thực hiện các thủ tục hành chính công đơn giản, gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước.

Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh Tòa Hình sự - TAND TP Hà Nội, bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất lần này. Ông Toàn cho rằng, công dân có quyền tự do đi lại, cư trú, học tập, mà việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy vô tình tạo ra một số hạn chế liên quan đến những quyền trên. Do đó, cần thiết phải bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy.

Bỏ sổ hộ khẩu: làm gì để không gây xáo trộn? - Ảnh 2.

Bỏ sổ hộ khẩu sẽ giúp người dân thuận tiện hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính Ảnh minh họa

Làm thế nào để không gây xáo trộn?

Theo thống kê của PV, hiện nay có khoảng 27 thủ tục hành chính khi thực hiện cần mang theo sổ hộ khẩu, như: Giấy khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, đăng ký bảo hộ, đăng ký hộ tịch, nhận con nuôi, làm sổ đỏ, xác nhận tình trạng hôn nhân, sơ yếu lý lịch, đăng ký xe, hợp đồng thế chấp/vay ngân hàng, đề nghị phúc lợi xã hội... và nhiều thủ tục hành chính khác. Nếu thực hiện bãi bỏ sổ hộ khẩu giấy, thay bằng mã số định danh cá nhân, việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân sẽ thay đổi như thế nào? Điều này khiến không ít người dân băn khoăn: Liệu việc thay đổi đó sẽ ảnh hưởng cụ thể ra sao?

Rõ ràng khi thay đổi phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở...), cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân (như về hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng...).

Vì thế, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (cơ quan thẩm tra), đã đề nghị cơ quan soạn thảo (Bộ Công an) đánh giá rõ hơn tác động đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính này và giải pháp thay thế khi không còn sổ hộ khẩu để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước. Đồng thời, làm rõ lộ trình sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Lãnh đạo cơ quan thẩm tra cũng nêu vấn đề, trong quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân hiện nay, sổ hộ khẩu là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch dân sự như mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại... nhằm xác thực thông tin về nhân thân và nơi cư trú của bên sử dụng dịch vụ. Khi không còn sổ hộ khẩu thì sẽ dẫn đến khó khăn cho việc thực hiện các giao dịch này vì các bên không thể tự mình truy cập Cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết.

Bỏ sổ hộ khẩu sẽ là bước cải cách thủ tục thiết thực và quan trọng, tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền công dân của mình, giúp việc quản lý dân cư, thực hiện các thủ tục hành chính công đơn giản, gọn nhẹ, tiện ích; tạo thuận lợi cho cả người dân và cơ quan quản lý Nhà nước.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn