Nhiều tình trạng khác nhau có thể gây ảnh hưởng đến đường hô hấp. Trong đó, các nhiễm trùng hô hấp có thể do vi khuẩn hay virus gây ra, chẳng hạn như cảm lạnh, cúm hay covid-19. Triệu chứng của các bệnh lý này thay đổi nhiều mức độ từ nhẹ cho đến nghiêm trọng.
Vì thế, việc tìm kiếm phương pháp điều trị để giảm nhẹ triệu chứng bệnh, rút ngắn thời gian bị bệnh hoặc các biện pháp dự phòng bệnh xảy ra,... Đều là những vấn đề được các nhà khoa học rất quan tâm.
Đề cập đến vấn đề này, một nghiên cứu mới đây đã được đăng tải trên Tạp chí BMJ Open. Theo đó, bổ sung kẽm được cho là có tác dụng tích cực với các bệnh lý đường hô hấp, giúp giảm triệu chứng và phòng ngừa bệnh xảy ra.
Trong cơ thể, kẽm là một nguyên tố vi lượng đóng nhiều vai trò khác nhau. Chẳng hạn có thể kể đến như tham gia vào hệ thống miễn dịch, liền vết thương, phân chia và phát triển tế bào, chuyển hóa chất, duy trì chức năng khướu giác và vị giác,...
Các con đường bổ sung kẽm cho cơ thể rất đa dạng. Người ta có thể sử dụng các loại thực phẩm giàu kẽm như hàu, thịt, thịt gà, các loại hạt, sữa. Hoặc lựa chọn bổ sung kẽm thông qua các chế phẩm như những loại vitamin tổng hợp, các loại thuốc xịt, gel xịt mũi và các loại viên ngậm.
Với hầu hết mọi người, hoạt động ăn uống có thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng kẽm của cơ thể. Nhưng những lợi ích của bổ sung kẽm vẫn đang được các nhà khoa học cố gắng xác định. Đặc biệt là tác dụng của kẽm với các bệnh do nhiễm virus gây ra.
Đường hô hấp của con người đường cấu tạo từ các bộ phận gồm mũi, họng, thanh quản, khí quản, phế quản và phổi. Khi có sự xâm nhập của các tác nhân nhiễm trùng, bệnh nhiễm trùng đường hô hấp sẽ xảy ra.
Khi mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác nhau, biểu hiện của người bệnh cũng khác nhau. Chẳng hạn cảm lạnh thông thường biểu hiện bằng các triệu chứng nhẹ như ho, hắt hơi, đau họng, sổ mũi. Nhưng các triệu chứng sẽ nặng hơn nếu bị cúm, bao gồm sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ thể và đau đầu.
Còn khi bị covid-19, người bệnh có thể có các biểu hiện tương tự như trường hợp mắc cúm. Các triệu chứng của căn bệnh này gồm sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, ho, khó thở, sổ mũi,...
Theo các tác giả của nghiên cứu, những biện pháp dự phòng và điều trị cho các bệnh lý nhiễm virus đường hô hấp vẫn còn rất hạn chế. Điều này khiến ngành y tế quan tâm và thúc đẩy hoạt động tiêm chủng.
Chẳng hạn, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) đã khuyến cáo tiêm phòng là cách tốt nhất để chống lại covid-19 và bệnh cúm. Vì thế cần phải tiến hành tiêm phòng cả hai loại vaccine nói trên. Đồng thời, có thể tiêm cùng lúc hai loại vaccine nếu chúng có lịch tiêm trùng nhau.
Tuy nhiên, điều hiệu quả nhất có thể làm hiện nay là tiêm phòng covid-19 và bệnh cúm. Trong khi đó, các biện pháp điều trị và dự phòng khác vẫn còn rất hạn chế. Do đó, tìm kiếm phương pháp điều trị để giảm nhẹ triệu chứng và rút ngắn thời gian bị bệnh là vấn đề được các nhà khoa học rất quan tâm.
Nghiên cứu mới lần này là một tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp dựa trên các nghiên cứu đã được thực hiện trong quá khứ. Để được lựa chọn, những nghiên cứu này phải thỏa mãn các điều kiện bao gồm:
- Đối tượng tham gia bao gồm cả người lớn có nguy cơ hoặc đã bị nhiễm trùng đường hô hấp.
- Có sự nhận cụ thể việc sử dụng bổ sung kẽm bao gồm liều lượng, thời gian và con đường.
- Các kết quả (tỷ lệ nhiễm trùng, mức độ nhiễm trùng,...) được đo lường cụ thể.
Có tất cả 28 nghiên cứu đã thỏa mãn các điều kiện này và được lựa chọn, bao gồm 5446 đối tượng tham gia. Còn những nghiên cứu sử dụng kẽm như một phương pháp điều trị cùng với các loại thuốc khác được nhóm nghiên cứu loại bỏ và không sử dụng. Đồng thời cũng không có bất kỳ nghiên cứu nào về covid-19.
Tác giả thuộc nhóm nghiên cứu - Tiến sĩ Jennifer Hunter cho biết rằng, một số nghiên cứu được lựa chọn đã từng bị bỏ qua trong các tổng quan hệ thống trước kia. Chẳng hạn trong bốn nghiên cứu đánh giá tác dụng bổ sung kẽm dự phòng thì chỉ có một nghiên cứu đã từng được đưa vào tổng quan hệ thống.
Tuy nhiên, đáng chú ý ở đây là có hai trong số bốn nghiên cứu trên được trình bày bằng tiếng Trung. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tìm kiếm các tài liệu được trình bày bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng anh.
Sau khi phân tích, các tác giả đã ghi nhận một số kết quả khác nhau bao gồm:
- Một số người đã bổ sung kẽm bằng đường uống hoặc đường mũi để dự phòng nhiễm trùng đường hô hấp.
- So với sử dụng giả dược, thời gian biểu hiện triệu chứng ở người bổ sung kẽm đường mũi hoặc dưới lưỡi được rút ngắn đi 2 ngày.
- Bổ sung kẽm giúp giảm nhẹ mức độ triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp kể từ ngày thứ 3 trở đi.
- Mức độ của các triệu chứng theo mỗi ngày không bị ảnh hưởng bởi việc bổ sung kẽm.
Đồng thời, các tác dụng phụ của việc bổ sung kẽm cũng được nhóm nghiên cứu ghi nhận. Những tác dụng không mong muốn này có thể kể đến như buồn nôn hay cảm giác khó chịu tại đường tiêu hóa.
Từ đó các tác giả đã kết luận rằng, bổ sung kẽm ở những người không thiếu kẽm có tác dụng tích cực với bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Nó giúp dự phòng bệnh xảy ra cũng như rút ngắn thời gian biểu hiện các triệu chứng của bệnh.
Nhìn chung, nghiên cứu mới này vẫn còn có những hạn chế nhất định tồn tại.
- Thứ nhất, kết quả thu được hoàn toàn dựa trên những nghiên cứu trước đó. Do đó, các nghiên cứu thành phần này có thể là nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch.
- Thứ hai, chỉ có một người duy nhất đảm nhận nhiêm vụ phân tích nhanh các phân tích cụ thể. Vì thế sai sót cũng dễ dàng xảy ra hơn.
Ngoài ra Tiến sĩ Hunter cũng chia sẻ thêm, trong các nghiên cứu được lựa chọn không có nghiên cứu nào về covid-19. Mà những liệu pháp dành cho các bệnh nhiễm trùng hô hấp khác không nhất thiết sẽ có hiệu quả với covid-19. Nên chưa thể áp dụng kết quả về bổ sung kẽm trong nghiên cứu này cho bệnh nhân covid 19.
Ông kết luận lại vấn đề, vội vàng bổ sung kẽm ngay lập tức là điều không cần thiết. Bổ sung kẽm sai cách có thể gây kém hấp thu đồng. Tuy nhiên, người cao tuổi hay người có bệnh lý nền nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về chế độ bổ sung kẽm phù hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn