Ngày 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV khai mạc phiên họp thứ 34. Dự kiến diễn ra trong 03 ngày, phiên họp tập trung cho ý kiến đối với những dự án, dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau để hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật đảm bảo chất lượng, trình Quốc hội thông qua tại đợt 2, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sẽ cho ý kiến đối với 16 nội dung, bao gồm xem xét, cho ý kiến đối với 08 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua đợt 2 của Kỳ họp và 05 nội dung khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong đó nhiều dự án Luật được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và 02 dự án luật, nghị quyết được Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, đó là: Dự án luật sửa 4 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng) và Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng và nhiều nội dung quan trọng khác.
Tại phiên làm việc ngày 11/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết: Về quy định cấm "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" (khoản 2 Điều 10), Thường trực Uỷ ban Quốc phòng, An ninh đề nghị cho tiếp tục thực hiện quy định cấm "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Đồng thời đề xuất bổ sung vào khoản 5 Điều 87 của dự thảo Luật giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác. Theo chuyên gia y tế thì cồn nội sinh là cồn tự sinh ra trong cơ thể mà không có bất kỳ tác động nào khác bên ngoài, có nồng độ rất thấp mà các phương tiện thông thường kiểm tra nồng độ cồn hiện nay không thể phát hiện được. Thực tiễn, qua hoạt động kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông thời gian qua chưa phát hiện trường hợp nào oan sai về nồng độ cồn.
Về điểm của giấy phép lái xe (Điều 58), ông Lê Tấn Tới cho biết: Quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo Luật được tiếp cận là một biện pháp để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp giấy phép lái xe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với người lái xe, phòng ngừa vi phạm, không có tính chế tài nên không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Việc bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo Luật là cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển.
Qua ý kiến thảo luận của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết: Về quy định cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, qua thảo luận và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sẽ tiến hành lấy phiếu xin ý kiến các Đoàn ĐBQH về nội dung này.
Về điểm của giấy phép lái xe, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu giải trình rõ, có tính thuyết phục đây không phải là hình thức xử phạt hành chính bổ sung; bổ sung nguyên tắc cơ bản trong việc trừ điểm giấy phép lái xe, trách nhiệm sát hạch lại, tránh chồng lấn trong công tác quản lý nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc bổ sung thêm quy định tại Điều 46 về xe ô tô kinh doanh vận tải cho học sinh, trẻ em, rà soát để quy định chặt chẽ hơn cả về cơ sở kinh doanh vận tải và cơ sở giáo dục.
Rà soát kỹ thuật lập pháp và đặc biệt Điều 89 về điều khoản chuyển tiếp đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ, cả về đấu giá biển số xe, giấy phép lái xe, bảo đảm thống nhất giữa pháp luật, nghị định cũ với luật mới; khuyến khích người dân đổi bằng. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát quy định về phạm vi điều chỉnh; bổ sung các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tại Điều 84; quy định hình thức kiểm soát trẻ em điều khiển xe máy dưới 50 phân khối và xe máy điện, xe đạp điện…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn