Cùng ngày, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin tiêu cực trong quản lý hải quan đối với xuất khẩu gạo và yêu cầu gửi báo cáo kết quả về Bộ trước 30/4/2020.
Bộ Tài chính cho hay, trước tình trạng thời gian vừa qua có nhiều thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng và một số doanh nghiệp phản ánh về hoạt động xuất khẩu gạo trong bối cảnh đảm bảo an ninh lương thực trước tình hình đại dịch Covid-19, Bộ này đã chính thức đề nghị Bộ Công an vào cuộc.
Cụ thể, hiện nay một số cơ quan báo chí, mạng xã hội và một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đặt nhiều nghi vấn tiêu cực trong tổ chức triển khai hoạt động xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đặt vấn đề có hay không việc trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo; tính minh bạch trong việc chấp hành pháp luật về hải quan của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và cá nhân liên quan?
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và tổng thể trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến xuất khẩu gạo trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xác minh làm rõ các nội dung nêu trên. Điều này nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động xuất khẩu gạo cũng như xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong trường hợp đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật.
Trước đó, việc xuất khẩu gạo với hạn ngạch 400.000 tấn khiến dư luận và doanh nghiệp bức xúc bởi chuyện mở tờ khai hải quan xuất khẩu lúc 0 giờ ngày chủ nhật 12/4 của Hải quan khiến nhiều doanh nghiệp có gạo tại cảng không xuất được, trong khi có doanh nghiệp chưa có gạo, cũng mở được tờ khai, xuất khẩu.
Hiệp hội lúa gạo cùng dư luận thông tin có sự không minh bạch, khi nhiều doanh nghiệp lớn mở hơn 100 tờ khai, xuất khẩu hàng chục nghìn tấn gạo. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp dù có lượng gạo lớn đang bị lưu tại cảng do cấm xuất khẩu của Chính phủ theo đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trước đó, không có được một tờ khai xuất khẩu nào.
Đặc biệt, dư luận tiếp tục nóng lên với chuyện xuất khẩu gạo trên khi Tổng cục Hải quan thông tin có 4 doanh nghiệp có mở tờ khai xuất khẩu hàng chục nghìn tấn nhưng trước đó họ đã bỏ ngang hợp đồng bán gạo cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Việc này khiến Tổng cục Dự trữ Nhà nước chỉ mua được 4% số gạo theo yêu cầu của Chính phủ.
Được biết, trong danh sách 39 doanh nghiệp trúng tờ khai hải quan xuất khẩu gạo tháng 4, có Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex mở được 102 tờ khai, số lượng gao 96.000 tấn; Tổng Công ty lương thực miền Nam, mở được 27 tờ khai với lượng xuất 38.000 tấn; Công ty cổ phần Mỹ Tường mở được 12 tờ khai, số lượng xuất hơn 10.650 tấn; Công ty TNHH Phát Tài, mở 5 tờ khai xuất 13.600 tấn gạo, trong tháng 4/2020.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Công Thương đã cho thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng, nhằm phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo. Thành phần đoàn kiểm tra liên ngành này có sự tham gia của đại diện Bộ Công an.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn