Trước kia, việc chăm sóc, nuôi dạy con đều đến tay vợ. Anh Dương chưa một lần dạy con học, càng không bao giờ họp phụ huynh cho con. Thế nhưng, khi thấy kết quả học của con làng nhàng, anh lại đổ lỗi cho vợ. Anh luôn mồm chê bai vợ không biết dạy con.
Khi 2 vợ chồng không còn sống cùng nhau, anh nhận nuôi đứa con trai đầu, vợ nuôi cô con gái thứ hai. Trước khi mang con ra khỏi nhà, anh dõng dạc nói với vợ: "Để xem con ở với bố thì thế nào. Chắc chắn vào tay tôi, con sẽ học giỏi hơn!".
Chính vì tuyên bố hùng hồn với vợ như vậy nên anh Dương đặt nhiều áp lực lên cậu con trai học lớp 7. Vì sợ con hư, con lười học, con mải chơi nên anh Dương quản lý con bằng cách "thiết quân luật". Anh căn từng giờ con đi học, con về nhà. Con muốn ra khỏi nhà, thậm chí chỉ cần sang nhà hàng xóm, anh cũng không đồng ý. Con chỉ được đi ra ngoài nếu đó là đi học. Không có chuyện con được đi chơi với bạn bè. Với anh Dương, quản lý con chặt chẽ như vậy mới không lo con bị bạn bè rủ chơi game, không lo con hư hỏng, đua đòi theo bạn xấu.
Anh Dương đầu tư cho con học rất nhiều. Anh nghĩ rằng, chỉ có thế con mới đạt thành tích cao. Và như vậy, anh mới có thể huênh hoang với vợ. Thế nên, anh kết thân với cô chủ nhiệm nhờ cô giáo để ý con. Anh cũng cho con học thêm rất nhiều. Học lớp 7 nhưng lịch học của con trai anh kín cả tuần. Con hết học thêm ở các lớp của giáo viên trong lớp, lại còn học một vài lớp do giáo viên giỏi, uy tín dạy. Cậu con trai lớp 7 vô cùng mệt mỏi khi phải "chạy sô" hết lớp nọ đến lớp kia. Con hầu như không có thời gian vui chơi, giải trí. Anh Dương cho rằng, "nhồi nhét" cho con như vậy không thể có chuyện con không học giỏi được.
Vậy mà, thỉnh thoảng, anh vẫn nhận được tin nhắn con bị điểm kém. Mỗi lần như vậy, anh tức phát điên. Anh xả cơn giận vào cậu con trai bằng cách mắng chửi, đánh con. Anh không thể chấp nhận được việc đã đầu tư cho con hết sức như vậy mà kết quả học tập lại không tương xứng.
Nguyên nhân cũng bởi anh chỉ biết cho con ngồi mấy lớp học thêm mà không hỏi ý kiến, nguyện vọng của con. Anh không bao giờ hỏi con có theo được lớp học không, thầy cô giảng có khiến con hứng thú không. Anh không biết rằng cậu con trai vô cùng mệt mỏi khi cả ngày học trên lớp, tối lại đi học thêm. Con anh không có thời gian tự học nên những kiến thức ở các lớp chỉ "chạy" qua đầu loáng thoáng. Người cha ấy cũng không biết rằng, bước vào lứa tuổi dậy thì, cậu con trai cần giải tỏa nhiều năng lượng dư thừa. Con cần chơi thể thao, cần giao lưu bạn bè, cần được vui chơi, giải trí theo cách con muốn.
Anh Dương đâu biết, cậu con trai cô đơn thế nào khi có ông bố quá nghiêm khắc. Ở tuổi teen, con có nhiều thay đổi về tâm, sinh lý. Con cần được người lớn lắng nghe, chia sẻ. Không có người mẹ ân cần, dịu dàng ở bên, con là đứa trẻ vô cùng thiệt thòi.
Anh Dương không hề để ý đến cảm xúc, tâm trạng của con từ khi con về ở với bố. Lúc nào anh cũng đặt nặng áp lực học hành lên con. Anh không biết rằng từ ngày sống trong ngôi nhà chỉ có 2 bố con, cậu bé đã trở nên sống khép kín, tự ti, mất hết sự nhanh nhạy, hay nói hay cười trước đây.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn