Theo chương trình phiên chất vấn sáng 5/11, Quốc hội tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc ngành Nội vụ. Trước đó, các đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang; Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang; Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, nêu câu hỏi chất vấn về: Giải pháp cho vấn đề nhân lực khu vực công nghỉ việc; Giải pháp tinh giản biên chế có hiệu quả, tinh giản biên chế ở các tỉnh miền núi, biên giới; vấn đề tự chủ đơn vị sự nghiệp công…
Trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Về việc thu hút nhân lực chất lượng cao vào khu vực công, dù chính sách tốt nhưng việc thực hiện còn hạn chế. Bộ sẽ đánh giá lại một cách tổng thể, toàn diện việc thực hiện chủ trương thu hút nhân lực, nghiên cứu xây dựng nghị định mới về thu hút, tuyển dụng tài năng, quan tâm nhiều hơn nữa trong việc cải thiện môi trường làm việc, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cho khu vực công.
Về xây dựng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ cấp xã, Bộ trưởng cho biết, chất lượng cán bộ, công chức cấp xã đã được nâng lên rõ rệt. Có 82% cán bộ công chức cấp xã đạt trình độ đại học. Tới đây, Bộ sẽ xây dựng đề án liên thông cán bộ, công chức cấp xã thay thế Nghị định cũ, đảm bảo tiêu chuẩn của cán bộ công chức cấp xã được nâng lên, liên thông với cấp huyện, cấp tỉnh. Đề nghị các địa phương tiếp tục chăm lo, xây dựng chất lượng cán bộ công chức cấp xã.
Về việc giảm biên chế theo chỉ tiêu 10% viên chức, 5% công chức, thì với vùng miền núi, dân tộc thiểu số là rất khó khăn, Bộ trưởng cho biết, căn cứ đặc thù từng vùng miền sẽ có một số khó khăn trong thực hiện, nhất là về giáo dục và y tế.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thanh Trà, nhiều địa phương đang nhầm lẫn giữa "giảm biên chế viên chức" và "giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước". Hai khái niệm này là hoàn toàn khác nhau, không phải cắt bỏ để giảm số lượng viên chức đi, mà là giảm số viên chức "hưởng lương từ ngân sách nhà nước".
Với các địa phương miền núi, việc giảm biên chế viên chức đang "hưởng lương từ ngân sách nhà nước" sẽ gặp khó khăn hơn. Bộ sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có điều chỉnh phù hợp cho từng địa phương, thúc đẩy xã hội hóa, tự chủ cao hơn ở những địa phương có điều kiện.
Về giải pháp khắc phục tình trạng tinh giản biên chế cơ học, xây dựng nền công vụ tinh gọn, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp luật, thay thế Nghị định cũ đảm bảo thực hiện hiệu quả tinh giản biên chế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn