Bộ trưởng Giáo dục nhận trách nhiệm về dạy thêm

22:37 | 16/11/2016;
Ngày 16/11, các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn trưởng ngành giáo dục về vấn đề dạy thêm, học thêm tràn lan, có nhiều biến tướng, đặc biệt ở bậc tiêu học, gây bức xúc trong xã hội.
bo-truong-gd-dt-phung-xuan-nha.jpg
 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn tại Quốc hội

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Cao Thị Xuân, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, nêu vấn đề dạy thêm, học thêm tràn lan thời gian qua gây bức xúc trong nhân dân.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, vấn đề dạy thêm, học thêm đã tồn tại rất lâu, nhưng đó là “nhu cầu tự thân”. Chỉ chống dạy thêm, học thêm tràn lan, không đúng mục tiêu. Sau khi Bộ có Thông tư 17 hướng dẫn về dạy thêm, học thêm, các địa phương uốn nắn và quản lý việc này, theo ông Nhạ, vấn đề dạy thêm, học thêm “có xu hướng đi vào ổn định, nhưng luôn tiềm ẩn những hiện tượng biến tướng”. Đồng thời, ông Nhạ cho rằng, giải pháp gốc vẩn phải “chỉnh lại chương trình dạy và học gọn nhẹ”.

Bộ trưởng Nhạ cho biết thêm, Bộ này đang chỉ đạo rà soát xây dựng chương trình sách giáo khoa mới, lược bỏ những nội dung không cần thiết, không phù hợp với chương trình và trùng lặp để hợp lý hơn. Đồng thời trưởng ngành giáo dục cũng đề nghị nâng trách nhiệm của địa phương và cơ sở giáo dục vào cuộc mạnh hơn vấn đề dạy thêm, học thêm và chấn chỉnh những hoạt động dạy thêm, học thêm biến tướng.

day-them-hoc-them.jpg
“Bộ đã có chủ trương, chính sách nhưng trách nhiệm của bộ thực sự chưa sâu, chưa sát về việc dạy thêm, học thêm” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận. Ảnh minh họa: Internet

Chất vấn tiếp về nội dung này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, phản bác: Bộ trưởng trả lời chống những biến tấu trong dạy thêm học thêm, nhưng “tôi nghĩ không phải là giải pháp căn cơ. Có địa phương cấm dạy thêm, học thêm nhưng lại chuyển sang “có đề nghị và phụ huynh tự nguyện viết đơn xin học thêm cho con em”. Đại biểu Cương đặt câu hỏi: “nhiều phụ huynh nói rằng trẻ em Việt Nam không có tuổi thơ, vậy trong nhiệm kỳ này Bộ trưởng có những giải pháp căn cơ gì?”

Còn đại biểu Trần Thị Phương Hoa, đoàn ĐBQH Hà Nội, bày tỏ “không đồng tình với trả lời của Bộ trưởng”. Với nhận định “học thêm đã đi vào ổn định”, Bộ trưởng cho biết rõ thế nào là ổn định? Theo phản ánh của cử tri, hiện nay tình trạng dạy thêm của một bộ phận giáo viên xuất phát từ động cơ vụ lợi, bắt ép học sinh học thêm, nhất là bậc tiểu học. Một số nơi dạy thêm còn phát triển tràn lan do quản lý còn lỏng lẻo dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm Bộ trưởng trong chỉ đạo việc này đã tập trung quyết liệt hay chưa?

Trả lợi chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận: “Bộ đã có chủ trương, chính sách nhưng trách nhiệm của bộ thực sự chưa sâu, chưa sát”. Không chỉ cứ đưa ra thông tư, quy định, chỉ thị, các báo cáo, mà tới đây phải sâu sát hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn