Cuối giờ sáng 7/11, sau phần chất vấn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh kết thúc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân là người tiếp theo ngồi “ghế nóng” trước Quốc hội để trả lời chất vấn. Vấn đề về biên chế giáo viên, ngay từ những chất vấn đầu tiên, đã được ĐBQH đặt ra đối với ông.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) đặt câu hỏi, thực trạng chủ trương tinh giản biên chế tác động đến hai mảng giáo dục và y tế như thế nào, liệu có đáp ứng được chủ trương nâng cao chất lượng hay không?
Còn đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đăk Nông) lại băn khoăn về tình trạng học sinh nơi tập trung nhiều, nơi rải rác ảnh hưởng đến bố trí giáo viên. “Với các tỉnh Tây Nguyen và TP lớn do di dân, dịch chuyển lao động, làm thế nào để bố trí đủ giáo viên dạy 2 buổi/ngày theo quy định đối với các địa bàn vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn?” – ông chất vấn
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay biên chế với riêng hai lĩnh vực giáo dục, y tế chiếm số lượng rất lớn trong tổng biên chế với 80% đội ngũ. Ông thừa nhận có thực trạng phần lớn các địa phương phản ánh số giáo viên không đủ đứng lớp, y tế không đủ nhân viên trong bệnh viện.
Trước thực trạng, Bộ Nội vụ đã tham mưu và bước đầu giải quyết nhu cầu cho 19 tỉnh, trong đó 14 tỉnh có lượng dân di cư và các thành phố lớn có dân số đông, giải quyết cho hơn 20.300 giáo viên mầm non có hợp đồng ký trước 31/12/2015. “Tháng 8/2019, bộ Nội vụ đã phân hết cho các tỉnh chủ động giải quyết nhu cầu việc làm cho các đối tượng thuộc diện hợp đồng này” – ông nói.
Cũng theo ông, để rà soát lại nhu cầu giáo viên, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã thông báo cho 63 tỉnh, thành tiến hành thống kê giáo viên, nhân viên y tế còn thiếu để báo cáo, thực hiện chủ trương “người học phải có giáo viên, người bệnh phải có nhân viên y tế chữa bệnh”.
“Chúng tôi nhận được thông tin có khoảng 87.000 số giáo viên đang thiếu, với y tế thiếu hơn 12.000 người. Bộ Nội vụ đã báo cáo và xin chủ trương từ Chính phủ, phối hợp với hai Bộ GD&ĐT và Y tế xác minh cụ thể nhu cầu bổ sung đội ngũ ở từng địa phương, từ đó có đề xuất bổ sung thực hiện đúng chủ trương trên” – ông Lê Vĩnh Tân thông tin.
Cũng theo ông, trong quá trình rà soát, có nhiều tỉnh thực hiện rất tốt mà không cần phải bổ sung biên chế, ví dụ như Yên Bái không cần đăng ký bổ sung thêm giáo viên nào mà chỉ cân đối giữa các huyện xã, mỗi năm tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho đầu tư phát triển.
“Các địa phương trước hết cần phải sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp, một đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiều dịch vụ công, một trường có nhiều cấp học, giảm tỷ lệ cán bộ gián tiếp quản lý, tăng số cán bộ trực tiếp giảng dạy, nghiệp vụ lên. Riêng các ngành y tế, GD&ĐT xây dựng lại định mức, sắp xếp cơ cấu phân công, xây dựng lộ trình để tự chủ trong lĩnh vực của mình, giảm khối đơn vị sự nghiệp công lập” – ông Tân cho hay.
Liên quan đến việc sắp xếp giáo viên các tỉnh vùng sâu vùng xa, miền núi đảm bảo đủ giáo viên dạy 2 buổi/ngày, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay đã làm việc với Bộ GD&ĐT và kiến nghị Chính phủ cho thành lập Nghị quyết riêng về biên chế giáo viên .
“Khó có thể lấy giáo viên tính vào các mảng khác được vì đặc thù, giáo viên có thể tăng giảm theo dân số, thiếu thừa cục bộ theo từng vùng miền. Năm 2017 chúng tôi khảo sát thì thấy tỷ lệ giáo viên miền núi chỉ đạt 0,7%, trong khi giáo viên ở thành phố thì 1,5%. Do đang thừa thiếu cục bộ, chúng tôi xin phép Quốc hội sẽ trình nghị quyết riêng về biên chế của GV để cân đối trong thời gian tới” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay.