Giá thịt lợn tăng cao là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm khi thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội hôm nay 13/6. Giải trình trước Quốc hội vào buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay nguyên nhân lớn nhất khiến thịt lợn tăng giá cao là do dịch tả lợn châu Phi hoành hành khiến xấp xỉ 6 triệu con lợn bị tiêu hủy trong nước. "Quy luật cung cầu chưa gặp nhau thì giá tăng", ông Cường nói.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho hay, theo kế hoạch phục hồi đàn, đến quý IV/2020, đàn lợn trong cả nước sẽ đạt số lượng 31 triệu con như trước khi bị dịch. Bộ trưởng cho biết ngành nông nghiệp đang tập trung đẩy nhanh quá trình tái đàn, tuy nhiên việc khôi phục đàn lợn phải bền vững khi nguy cơ dịch tả lợn quay lại rất cao.
Để góp phần đưa giá thịt lợn về mốc cũ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết cần có cơ chế hỗ trợ các hộ chăn nuôi về giá lợn giống từ địa phương. Bên cạnh đó, phải tập trung tuyên truyền để người dân lựa chọn thực phẩm đa dạng.
"Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, cũng đều của người nông dân làm ra. San sẻ các nhóm thực phẩm vừa tốt, vừa không gây áp lực lên một ngành hàng" - ông Cường cho hay.
Có ba nhóm giải pháp cụ thể được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra để giá thịt lợn không còn cao gồm tập trung tái đàn nhanh, khuyến cáo lựa chọn thực phẩm đa dạng, tăng cường kiểm soát khâu thương mại để không xảy ra hiện tượng trục lợi tăng giá. "Từng bước cố gắng để giá thịt lợn xuống mức hợp lý, làm sao cung cầu càng gặp nhau sớm, giá càng phù hợp nhất", Bộ trưởng Cường phát biểu.
Trước đó, vào buổi sáng, một số ĐBQH đề nghị Việt Nam không cần nhập khẩu thịt lợn. Đại biểu Nguyễn Thị Yến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết giá lợn hơi hiện neo ở mức cao, dao động 90.000-100.000 đồng/kg.
Bà cho rằng cần có chính sách kiểm soát giá thịt lợn, quan tâm hỗ trợ vốn, phòng chống dịch tả lợn châu Phi và giải pháp giúp doanh nghiệp, người dân tái đàn lợn. Bên cạnh đó, cần kích cung trong nước để đảm bảo nguồn cung, không cần nhập của các nước để tự chủ được nền kinh tế.
Cũng liên quan đến điều tiết thị trường thịt lợn, theo ĐB Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đăk Lăk), Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm về giá thịt lợn cao. Theo bà, cung cầu thịt lợn mất cân đối, bị đẩy giá lên cao mà không thể giải quyết được suốt hơn một năm năm qua. "Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm trong việc này" – nữ đại biểu thẳng thắn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn