Bộ trưởng Y tế: Quỹ bảo hiểm y tế đang thanh toán chi phí điều trị bệnh suy dinh dưỡng

13:27 | 24/10/2022;
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: Điều trị người suy dinh dưỡng thường thực hiện thông qua việc bổ sung các khoáng chất, vi chất. Quỹ bảo hiểm y tế đang chi trả chi phí sử dụng các chất này theo danh mục do Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 30 năm 2018.

Tiếp tục chương trình làm việc sáng 24/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Giải trình một số nội dung các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Các ý kiến của các đại biểu thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn những quy định về khám, chữa bệnh được sửa đổi lần này thực sự đổi mới căn bản về chất, đồng thời giải quyết được những vấn đề khó khăn, vướng mắc của ngành y tế đang gặp phải trong thực tiễn và đúng quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, với mục tiêu chất lượng, hiệu quả phát triển trong công tác chăm sóc cho sức khỏe Nhân dân.

Với vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh và chữa bệnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, suy dinh dưỡng là một loại bệnh và có các mức độ khác nhau, trong đó suy dinh dưỡng cấp tính nặng là mức độ nặng nhất của bệnh.

Khi người bệnh bị suy dinh dưỡng căn cứ vào tình trạng bệnh cụ thể và đánh giá tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng của mỗi người bệnh, việc điều trị thường thực hiện thông qua việc bổ sung các khoáng chất, vi chất. Hiện nay, Quỹ bảo hiểm y tế đang chi trả chi phí sử dụng các chất này theo danh mục do Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 30 năm 2018. Bộ Y tế nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có điều khoản quy định về dinh dưỡng là cần thiết.

Bà Đào Hồng Lan cho rằng: Trong phạm vi của luật này và để đảm bảo cân đối với các điều khoản khác cũng như đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thì quy định như Điều 65 về Dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh của dự thảo luật là phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí sử dụng khoáng chất, vi chất cho bệnh suy dinh dưỡng - Ảnh 1.

Đại biểu Lò Thị Luyến, đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: Sản phẩm dinh dưỡng là thuốc hay thực phẩm chức năng không quan trọng, quan trọng nhất là nó điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính hiệu quả. Ảnh quochoi.vn

Trước đó, thảo luận tại hội trường, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, đề nghị ban hành quy định để bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị trẻ dưới 6 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính (thể vừa và thể nặng).

Theo đại biểu, trẻ không phân biệt nhà giàu hay nhà nghèo đều có thể bị suy dinh dưỡng. Trẻ nhà nghèo, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số đa số sẽ bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính do không có điều kiện chăm sóc đảm bảo dinh dưỡng.

Theo đại biểu, trẻ dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nhưng "sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt" không được gọi là thuốc, nên không được bảo hiểm y tế chi trả, trong khi gia đình thì khó khăn không có tiền mua. Vì vậy, rất cần có chính sách hỗ trợ từ ngân sách.

Đại biểu Lò Thị Luyến đặt câu hỏi: "Sản phẩm dinh dưỡng là thuốc hay thực phẩm chức năng không quan trọng, quan trọng nhất là nó điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính hiệu quả, chỉ có điều chúng ta có chấp nhận cho bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm này hay không?"

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) không đề cập sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị, kể cả khái niệm, nguyên tắc trong việc chỉ định điều trị. Theo Điều 65 Dự thảo Luật và trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, các Chương trình mục tiêu quốc gia thì việc phòng chống suy dinh dưỡng tới đây vẫn chỉ được thực hiện bằng tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, truyền thông nâng cao nhận thức, thực hành dinh dưỡng hợp lý như những giai đoạn trước đã làm.

Đại biểu cho rằng, nội dung giải trình "Việc quy định bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh" là chưa thỏa đáng. Theo quy định Quốc hội có đủ thẩm quyền để quy định một vài điều tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) này để sửa đổi một vài điều của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành.

Điều 65 Dự thảo Luật Khám, Chữa bệnh:

Dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh 1. Dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh là hoạt động dinh dưỡng lâm sàng và việc tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh. 2. Nội dung hoạt động dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: a) Khám, sàng lọc, đánh giá, phân loại mức độ suy dinh dưỡng, tư vấn dinh dưỡng và theo dõi tình trạng dinh dưỡng của người bệnh; b) Giáo dục truyền thông về dinh dưỡng.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn