Khúc giao mùa tháng 8 là thời điểm nhạy cảm của các vấn đề về da, đặc biệt là ngứa mề đay. Mề đay là tình trạng trên da nổi lên từng đám sẩn mụn nhiều hoặc ít, không đều, màu hồng hoặc xanh trắng và rất ngứa. Thống kê cho thấy, cứ 100 người thì có từ 15 đến 20 người bị nổi mề đay và khả năng tái phát bệnh này nhiều lần trong đời. Phụ nữ dễ nổi mề đay hơn nam giới và ở độ tuổi từ 20 đến 40. Bạn có thể áp dụng các mẹo chữa mề đay tại nhà này khi tình trạng mới bùng phát, chỉ phát sinh thương tổn da và triệu chứng cơ năng để làm dịu nhẹ da nhanh chóng.
Bổ sung nhiều nước
Tuy đây là biện pháp đơn giản nhưng có thể cải thiện triệu chứng ngứa ngáy, nổi sẩn và nóng rát da rõ rệt. Nước không chỉ cân bằng điện giải mà còn thúc đẩy quá trình hydrat hóa, giúp duy trì làn da mềm mượt, ẩm mịn và khỏe mạnh. Khi làn da có đủ ẩm, các triệu chứng bong tróc, thô ráp, nóng rát, ngứa ngáy và sưng viêm sẽ có xu hướng thuyên giảm dần. Bên cạnh đó, uống nhiều nước còn hỗ trợ đào thải các dị nguyên bên trong cơ thể như thực phẩm và thuốc điều trị.
Uống nhiều nước để cấp ẩm cho làn da. làm dịu cơn ngứa và hỗ trợ đào thải chất độc bên trong cơ thể.
Thoa kem dưỡng chứa Kẽm và Vitamin B5
Vitamin B5 có tác dụng dưỡng ẩm sâu, kích thích phục hồi các tế bào hư tổn và làm dày hàng rào bảo vệ da. Trong khi đó, Kẽm có khả năng làm dịu vùng da tổn thương, sát trùng và ngăn ngừa viêm nhiễm. Thời điểm chuyển giao từ hè sang thu, trời đón nhiều cơn mưa và chuyển lạnh hơn. Nếu da nhạy cảm và chưa kịp thích nghi thì bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm để phục hồi hàng rào bảo vệ, duy trì độ ẩm và cải thiện tình trạng ngứa ngáy. Vì vậy, nếu có thể, nên lựa chọn các loại kem dưỡng có chứa vitamin B5 (Panthenol) và Kẽm (Zinc).
Thoa kem dưỡng B5 lên bề mặt da bị dị ứng để làm dày hàng rào bảo vệ da. Thành phần này an toàn với tất cả các loại da, kể cả da nhạy cảm nên bạn có thể an tâm áp dụng khi mề đay mới bùng phát.
Tắm lá chè xanh
Theo ghi chép từ y học cổ truyền, thảo dược này có vị chát, đắng, tính mát, công dụng thanh nhiệt, giải độc và làm mát cơ thể. Chính vì vậy chè xanh thường được dùng để trị các bệnh da liễu và một số bệnh lý do nóng trong người. Bên cạnh đó theo nghiên cứu dược lý hiện đại, thảo dược này còn chứa flavonoid và vitamin C, có tác dụng phục hồi mô da tổn thương và giảm nguy cơ hình thành sẹo thâm. Ngoài ra, các polyphenol trong lá trà còn giảm sẩn ngứa và nóng rát ở vùng da bị nổi mề đay.
Hãm nước lá chè xanh đặc sau đó hòa cùng với nước để tắm từ 1-2 lần/ngày liên tục đến khi triệu chứng thuyên giảm. Có thể chà nhẹ lá trà lên các vùng da bị nổi mề đay để giảm ngứa.
Sử dụng gel nha đam
Loại cây nhà lá vườn này hầu như nhà nào cũng nên sắm một chậu cảnh nhỏ vì tính hữu dụng của nó. Gel nha đam (lô hội) chứa hàm lượng nước, vitamin và axit amin dồi dào, có tác dụng dưỡng ẩm, làm dịu và giảm nóng rát da. Bên cạnh đó, thảo dược này còn chứa nhiều chất oxy hóa (polyphenol) giúp phục hồi tế bào hư hại, tăng sức đề kháng và ngăn ngừa thâm sạm. Nghiên cứu khoa học còn cho thấy, nha đam có tác dụng ức chế vi khuẩn có hại. Do đó sử dụng thảo dược này để chữa mề đay còn giúp sát trùng da và ngăn ngừa bội nhiễm.
Dùng thìa nạo phần gel trong suốt và thoa trực tiếp lên da, để trong 10 – 15 phút và rửa lại với nước ấm.
Uống trà hoa cúc
Các chất chống oxy hóa trong hoa cúc còn giúp điều hòa hoạt động bài tiết bã nhờn ở da, giúp da luôn trong trạng thái thông thoáng và dễ chịu. Do đó uống trà hoa cúc còn giúp kiểm soát tổn thương da và triệu chứng ngứa ngáy do mề đay gây ra – đặc biệt là mề đay Cholinergic và nổi mề đay do dị ứng thời tiết.
Uống trà hoa cúc giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi và cải thiện các triệu chứng do mề đay gây ra.
Cách chữa dị ứng nổi mề đay tại nhà chỉ có tác dụng hỗ trợ làm giảm thương tổn da và cải thiện các triệu chứng đi kèm. Vì vậy ở những trường hợp có mức độ nghiêm trọng, cần tiến hành thăm khám và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn