Cách đây 6 năm, khi còn là nhân viên văn phòng, chị Nguyễn Thị Oanh đã tập kinh doanh online với mặt hàng tinh bột nghệ. Nhận thấy tiềm năng thị trường của sản phẩm, năm 2017 chị quyết định nghỉ việc ở công ty để mở Cơ sở chế biến nông sản sạch Đô 37.
Những ngày đáng nhớ trong hành trình khởi nghiệp của chị có lẽ là những ngày đầu xây dựng xưởng tinh bột nghệ. Chuyến nghệ củ 4 tấn đầu tiên nhập từ Nghệ An, xe tải không vào được tận nơi nên chị phải thuê xe tải nhỏ đi bốc nguyên liệu lúc 2 giờ sáng. "Trời thì mưa mà giờ đó không tìm được người bốc nên bố tôi và tài xế phải bốc 4 tấn hàng giữa trời mưa như vậy. Vì nghệ bị ướt nên nhanh chóng lên mầm, máy móc thì hư hỏng. Chuyến hàng đó tôi bị mất trắng. Lúc đó, tôi đã khóc vì thương bố. Tôi quyết tâm phải thành công".
Chị Oanh bảo, khởi nghiệp không như là mơ, hết khó khăn này tới khó khăn khác. Đã nhiều lần chị muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ về lý do mình bắt đầu nên lại tiếp tục cố gắng. Chị tin rằng, cứ cố gắng vượt qua sẽ giúp mình trưởng thành hơn.
Chị bắt tay vào tìm hiểu máy móc, nghiên cứu quy trình làm tinh bột nghệ, tìm nguồn nguyên liệu, tìm đầu ra, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đến năm 2018, sau khi nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, chị tiếp tục cho ra sản phẩm ngũ cốc mầm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như cháo vỡ hữu cơ, trà ngũ cốc thảo mộc, các loại dầu ép cơ học... Khó khăn lớn nhất của người sản xuất đó là đầu ra. Trong nhiều năm, chị Oanh đã nỗ lực xây dựng hệ thống bán sỉ và bán lẻ. Nhờ chịu khó học hỏi và tìm tòi, chị đã có được thị trường ổn định, tạo thu nhập cho cộng tác viên bán hàng và người lao động tại xưởng sản xuất.
Năm 2021, cơ sở của chị được Sở Công thương thành phố Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí để mua máy móc phục vụ sản xuất. Cơ sở chế biến nông sản sạch Đô 37 có nhiều sản phẩm, trong đó ngũ cốc mầm và cháo vỡ hữu cơ là 2 sản phẩm mang nhiều tâm huyết nhất của chị Oanh. Là một người có cái nhìn xa, ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, chị Oanh đã nghĩ tới việc bán hàng trên các nền tảng số. Các sản phẩm của cơ sở có tới 90% được đăng bán trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Chị Oanh nhận định, đây là một thị trường tiềm năng, vượt xa hiệu quả so với bán tại chỗ, vì khách hàng được tiếp cận các hình ảnh, thông tin đa dạng về sản phẩm trước khi quyết định đặt mua.
Với chị Oanh, thành công không phải là kiếm được bao nhiêu tiền, mà là giúp được bao nhiêu người kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hiện tại cơ sở sản xuất của chị có hơn 10 nhân công làm việc thường xuyên và gần 100 cộng tác viên bán hàng có thu nhập ổn định từ 2triệu đến 20 triệu đồng/tháng. Mục tiêu của chị là giúp được nhiều "mẹ bỉm sữa" có thu nhập ổn định, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn