Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg không để dịch bệnh lan truyền vào Việt Nam.
Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ. Trong đó, lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày. Đồng thời, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Trước đó, ngày 14/2, WHO đã tổ chức họp khẩn sau khi có ít nhất 9 người tại Guinea Xích đạo tử vong vì sốt xuất huyết (SXH) do virus Marburg (MVD).
Theo WHO, vật chủ chứa virus Marburg là dơi ăn quả châu Phi, Rousettus aegyptiacus. Bệnh do virus Marburg là một bệnh gây xuất huyết hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cả người và động vật linh trưởng, có tỷ lệ tử vong ca bệnh lên tới 88%.
Vào ngày 7/2/2023, Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Guinea Xích đạo đã báo cáo ít nhất 8 trường hợp tử vong xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày 7/1 đến ngày 7/2/2023 do MVD. Theo điều tra dịch tễ học, các trường hợp có biểu hiện sốt, sau đó là suy nhược, nôn mửa và tiêu chảy có máu; hai trường hợp cũng có biểu hiện tổn thương da và chảy máu tai.
WHO cũng cho biết, Marburg lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp (qua da hoặc niêm mạc bị rách) với máu, dịch tiết; lây qua cơ quan hoặc các chất dịch cơ thể khác của người bị nhiễm bệnh và với các bề mặt và vật liệu (ví dụ: giường, quần áo) bị nhiễm các chất dịch này.
Ngoài ra, nhân viên y tế trước đây đã bị nhiễm bệnh trong khi điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã xác nhận MVD. Các nghi lễ chôn cất có tiếp xúc trực tiếp với thi thể của người quá cố cũng có thể góp phần vào việc lây truyền bệnh Marburg.
Thời gian ủ bệnh thay đổi từ 2 đến 21 ngày. Bệnh bắt đầu đột ngột với sốt cao, nhức đầu dữ dội và khó chịu nghiêm trọng. Tiêu chảy nặng, đau bụng và chuột rút, buồn nôn và nôn có thể bắt đầu vào ngày thứ ba.
Chưa có vaccine phòng bệnh
WHO cho biết, trong giai đoạn đầu của bệnh, chẩn đoán lâm sàng MVD rất khó phân biệt với nhiều bệnh sốt nhiệt đới khác do các triệu chứng lâm sàng giống nhau. Các bệnh SXH do virus khác cần được loại trừ, bao gồm bệnh do virus Ebola, cũng như bệnh sốt rét, sốt thương hàn, bệnh leptospirosis, nhiễm trùng do rickettsia và bệnh dịch hạch.
Hiện nay, thế giới chưa có vaccine cũng như phương pháp nào điều trị Marburg. Tuy nhiên, chăm sóc hỗ trợ - bù nước bằng chất lỏng uống hoặc truyền tĩnh mạch và điều trị các triệu chứng cụ thể giúp cải thiện khả năng sống sót do nhiễm MVD.
WHO nhận định, việc kiểm soát bùng phát dịch bệnh do virus Marburg dựa vào việc sử dụng một loạt các biện pháp can thiệp. Cụ thể là quản lý ca bệnh, giám sát bao gồm truy tìm người tiếp xúc, dịch vụ xét nghiệm tốt, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm bao gồm chôn cất an toàn và đàng hoàng cũng như vận động xã hội.
Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ lây nhiễm Marburg. Đồng thời, triển khai các biện pháp bảo vệ mà các cá nhân có thể thực hiện là một cách hiệu quả để giảm sự lây truyền sang người.
Các biện pháp ngăn chặn bùng phát bao gồm chôn cất nhanh chóng, an toàn với các trường hợp đã tử vong; xác định những người có thể đã tiếp xúc với người bị nhiễm Marburg và theo dõi sức khỏe của họ trong 21 ngày; Cách ly và chăm sóc những bệnh nhân đã được xác nhận và duy trì vệ sinh tốt và sạch sẽ môi trường. Ngoài ra, nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc MVD nên áp dụng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm bổ sung.
Để phòng tránh bệnh lây nhiễm do virus Marburg, người dân nên tránh tiếp xúc với chất dịch cơ thể và nên rửa bằng xà phòng và nước. Tuy nhiên, WHO cũng khuyến cáo không nên hạn chế đi lại và/hoặc buôn bán tới Guinea Xích đạo dựa trên thông tin hiện có về đợt bùng phát hiện tại.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn