Ngày 12/11, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai.
Theo báo cáo, từ ngày 28/5 đến 10/11, Gia Lai ghi nhận 2.298 ca mắc Covid-19, trong đó tỉnh đã điều trị khỏi 1.160 ca và 5 trường hợp tử vong. Trong số đó, ca mắc từ vùng dịch về từ ngày 1/10 đến 10/11 là 1.232 ca. Hiện tại, Gia Lai đang nỗ lực khoanh vùng, dập dịch, xét nghiệm. Tuy nhiên, lượng công dân từ các địa phương về nhiều nên số ca mắc vẫn tăng làm hệ thống y tế địa phương quá tải.
Cũng theo báo cáo, từ ngày 1/10 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp chủ yếu ở 5/17 huyện/thị trên toàn tỉnh Gia Lai. Trong đó, tình hình dịch bệnh tại các huyện Chư Sê, Kbang và Phú Thiện hiện tại đã ổn định. Riêng TP. Pleiku thì tình hình dịch còn tương đối phức tạp. Những ngày gần đây, TP Pleiku liên tục ghi nhận các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng và ghi nhận các ca bệnh thông qua test nhanh kháng nguyên khi đến khám tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, tại số điểm dịch trên địa bàn thành phố qua lấy mẫu trọng điểm để tầm soát đã ghi nhận số lượng lớn trường hợp dương tính trong cộng đồng làng người đồng bào dân tộc thiểu số.
Về nguyên nhân dịch xuất hiện nhiều trong cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Gia Lai cũng nhận định đã xuất hiện dấu hiệu chủ quan, lơ là tại một số đơn vị, địa phương và người dân. Đây chính là yếu tố nguy cơ khiến dịch lây lan và bùng phát.
Để khống chế dịch Covid-19, thời gian qua, Gia Lai đã đánh giá nguy cơ, sàng lọc kỹ càng tại các điểm bùng phát dịch. Tỉnh cũng đã thành lập 2 BV dã chiến và 10 BV điều trị Covid-19, chia thành 3 tầng theo quy định của Bộ Y tế. Thực hiện giám sát nhiễm khuẩn ở các cơ sở, trang thiết bị, máy móc được tăng cường.
Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine. Tính đến 11/11, Gia Lai đã nhận hơn 1 triệu liều vaccine. Đến 9/11 đã tiêm 685.068 mũi 1 (đạt 76,1% người từ 18 tuổi trở lên); 84.154 mũi 2 (đạt 8,8% người từ 18 tuổi trở lên).
Đặc biệt, Gia Lai cũng đã đã xây dựng kế hoạch khi có đến 5.000 trường hợp mắc. Đã chỉ đạo các cơ sở y tế sẵn sàng làm nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19; Xây dựng đề án tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng oxy y tế,…
Tại buổi làm việc, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Gia Lai đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ đào tạo nhân lực cho địa phương, nhân lực vận hành máy tim phổi nhân tạo (ECMO); Hỗ trợ thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân Covid-19; Hỗ trợ thiết bị, phương tiện, vật tư phòng hộ…
Ghi nhận những ý kiến của đại diện tỉnh Gia Lai, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ đánh giá cao những nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch của địa phương. Tuy nhiên, từ nhận định về tình hình dịch trong thời gian tới, Gia Lai phải hết sức đề cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Gia Lai địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm đến 46% số dân, tỉnh cần tăng cường truyền thông để người dân cùng chung tay chống dịch.
Về xét ngiệm, tốc độ xét nghiệm còn chậm hơn tốc độ lây lan của virus. Hiện nay, địa phương đang cách ly tập trung F0 và F1. "Trong trường hợp số ca mắc tiếp tục gia tăng cần cách lý F1 tại nhà. Tính đến phương án, điều trị, cách ly F0 tại nhà theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế khi dịch bùng phát.
Vấn đề cách ly, Gia Lai khoanh vùng khi có ca nhiễm thì triển khai hẹp. Đối với công tác xét nghiệm, Gia Lai nên test nhanh đối với các vùng đỏ, cam để phát hiện F0 một cách nhanh nhất, càng sớm càng tốt. "Có thể cử nhân viên y tế đến tận các thôn, buôn, xã để test nhanh, khống chế sớm ổ dịch. Đối với công tác điều trị bố trí, chuẩn bị số giường hồi sức bệnh nhân COVID-19 phải đi kèm với trang thiết bị, nhân lực", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Đối với một số đề xuất, kiến nghị của địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết đã ghi nhận. Sẽ rà soát, kiểm tra để phân bổ, cung ứng cho tỉnh nhanh nhất.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn