Thông tư này có có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.
Cụ thể, theo quy định, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng 1 tối thiểu 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/lượt. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khác, giá tối thiểu 30.500 đồng và tối đa 300.000 đồng/lượt.
Đối với giường điều trị nội trú dịch vụ loại 1 giường/phòng có giá tối đa 4 triệu đồng/giường; loại 2 giường/phòng tối đa 3 triệu đồng/giường; loại 3 giường/phòng tối đa 2,4 triệu đồng/giường. Các giường điều trị nội trú dịch vụ phải đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Các cơ sở khám, chữa bệnh bố trí tỉ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với tổng số giường thực hiện bình quân năm trước.
Theo các chuyên gia y tế, việc xây dựng dự thảo này nhằm thống nhất giá và các điều kiện khám dịch vụ cho các bệnh viện công, không để tình trạng mỗi nơi một giá hoặc điều kiện vật chất, dịch vụ chưa tương xứng với giá mà bệnh viện quy định.
Theo Bộ Y tế, việc quy định khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở khám chữa bệnh phát triển và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; hướng dẫn xây dựng giá đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập; hạn chế người có khả năng kinh tế phải ra nước ngoài khám chữa bệnh và thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam, tạo điều kiện phát triển các gói bảo hiểm y tế bổ sung.
Ngoài việc đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực theo quy định, các cơ sở y tế phải đáp ứng các quy định về diện tích, đảm bảo bác sĩ, chuyên gia khám tư vấn tối đa không quá 45 người/ngày làm việc 8 giờ. Tất cả giá dịch vụ phải niêm yết công khai để người dân lựa chọn. Cơ sở khám chữa bệnh quyết định lựa chọn xây dựng mức giá dịch vụ khác nhau theo chuyên khoa, thời gian thực hiện dịch vụ, trình độ chuyên môn y bác sĩ, kỹ thuật... trong phạm vi quy định.
Bộ Y tế nêu rõ, giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (chiếm tỷ lệ từ 5-10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, tuyến huyện gần như không có). Người có thẻ BHYT vẫn thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-BYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BYT.
Do vậy, Bộ Y tế khẳng định việc ban hành Thông tư không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
Thông tư của Bộ Y tế cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng, nguyên tắc mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu như: quy định về tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước, tỷ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn