Bộ Y tế vừa có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc triển khai tiêm vaccine phòng bệnh sởi.
Theo đó, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sởi đảm bảo kịp thời, hiệu quả và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan cần khẩn trương chuẩn bị, tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 trên địa bàn theo kế hoạch.
Căn cứ tình hình dịch sởi tại địa phương, tỷ lệ tiêm chủng, năng lực xét nghiệm, điều trị, nguồn lực sẵn có trong phòng, chống dịch..., các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thực hiện đánh giá nguy cơ, xác định vùng nguy cơ theo quy mô quận/huyện, xã/phường. Các địa phương cần rà soát đối tượng, đề xuất bổ sung địa bàn và đối tượng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi trong trường hợp cần thiết và báo cáo Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch sởi, chủ động tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát trong cộng đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 500 trường hợp mắc.
Chiều 27/8, UBND TPHCM chính thức công bố dịch sởi trên toàn địa bàn TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thuý vừa ký quyết định công bố dịch sởi trên địa bàn TPHCM.
UBND TPHCM yêu cầu thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố, quận, huyện, Thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn.
Những trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải thực hiện khai báo đầy đủ, chính xác với cơ quan y tế trong 24 giờ sau khi có chẩn đoán để được quản lý và xét nghiệm theo quy định.
UBND TPHCM cũng yêu cầu thành phố thực hiện Chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi – rubella không kể tiền sử tiêm chủng vaccine sởi - rubella trước đó cho tất cả trẻ em từ 1 - 5 tuổi đang sống tại TPHCM; có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch bệnh theo đúng quy định.
Tổ chức thu dung, điều trị, chăm sóc, cách ly y tế và kiểm soát dịch tại cộng đồng theo đúng các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
UBND TPHCM giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, Thành phố Thủ Đức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn