Trước thông tin giá giường bệnh dịch vụ cao nhất lên tới 4 triệu đồng/ngày trong thời gian qua khiến dư luận xôn xao, bởi mức giá trên có thể cao hơn 1 số phòng của các khách sạn 5 sao, ngày 12/8 tại buổi gặp mặt báo chí, Bộ Y tế đã thông tin cụ thể vấn đề trên.
Theo đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 14/2019/TT-BYT, sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 37/2018/TT-BYT quy định mức tối đa giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, đối với dịch vụ giường bệnh, Thông tư quy định mức giá tối đa là 4 triệu đồng/giường/ngày đối với loại 1 giường/phòng. Tuy nhiên, giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng/ngày. Thay vào đó, các BV phải xây dựng, giải quyết định giá của từng loại giường như Hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, loại 1, giường điều trị nội khoa,…
Hơn nữa, chi phí vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính toán từng loại giường, tiền lương phải tính theo trình độ bác sĩ và mức độ của điều dưỡng. Ví dụ, người bệnh nặng phải luôn có 1 điều dưỡng dưỡng chăm sóc 24/24 và người nhà không phải chăm sóc thì giá cũng phải khác với giường bệnh có người nhà chăm sóc 24/24 nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 giường.
Mặt khác, do là giường tự nguyện của người dân nên các BV khi quyết định giá cũng phải tham khảo thị trường. Nếu giá cao, chất lượng chuyên môn chưa tốt, phục vụ chưa tốt thì người bệnh sẽ lựa chọn cơ sở khác.
Trả lời câu hỏi, với quy định mới liệu các cơ sở y tế sẽ phát triển dịch vụ tự nguyện dẫn đến tình trạng tận thu người bệnh hay không, ông Liên cho rằng vấn đề này Bộ Y tế đã xem xét kỹ. Để được phát triển dịch vụ tự nguyện, các BV phải chuẩn bị kỹ cả nhân lực và vật lực để khám chữa bệnh BHYT. Khi đã đáp ứng được khám chữa bệnh BHYT thì mới tiếp tục phục vụ dịch vụ. Hơn nữa, BV không được tận dụng điều kiện sẵn có mà phải đầu tư mới bao gồm cả nhân lực và thiết bị thì mới được khám chữa bệnh yêu cầu. Cụ thể như khu khám bệnh có diện tích phải theo tiêu chuẩn Việt Nam đã được ban hành; phòng bệnh, giường bệnh cũng phải có tiêu chuẩn riêng. Khám chuyên khoa nào thì có máy móc chuyên khoa đó. Nhân lực cũng vậy, có chỗ phải tập trung nhân lực nhiều hơn như hồi sức tích cực, khu vực nội khoa, điều trị y học cổ truyền thì nhân lực ít hơn.
Cũng theo ông Liên, trước đây các BV được nhà nước cấp kinh phí để trả lương cho y bác sĩ và mua sắm thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay ngân sách không cấp trực tiếp cho các BV mà cấp trực tiếp cho người thụ hưởng thông qua mua BHYT. Vì vậy, các cơ sở khám chữa bệnh dần phải tính đúng, tính đủ chi phí nếu không thu không bù chi.
Ông Liên cũng cho rằng, hiện nay có đến gần 90% người dân có thẻ BHYT. Vì vậy, các BV phải tập trung phục vụ đối tượng này và nguồn thu từ đối tượng này mới là chính. Dịch vụ chỉ là 1 phần nhỏ trong khám chữa bệnh để có nguồn thu ổn định, chứ không thể là nguồn thu chính của các cơ sở y tế.
Trả lời câu hỏi, hiện nhiều người có thẻ BHYT nhưng vẫn khám dịch vụ, ông Liên cho rằng luật đã quy định rõ, người có thẻ BHYT thì phải khám ở nơi đăng ký ban đầu. Nếu vượt tuyến thì phải khám bệnh ngoại trú, không được BHYT thanh toán bởi nếu ai cũng lên trên thì vỡ trận. Tuy nhiên, ông Liên không đề cập đến một thực trạng hiện nay là chất lượng cán bộ y tế tuyến dưới còn nhiều hạn chế khiến người dân mất tin tưởng phải lên tuyến trên để khám chữa bệnh.