Trước tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp, đã có 30 tỉnh thành xin bổ sung vaccine và mở rộng độ tuổi là từ 6 - 9 tháng tuổi (lịch tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện tại đang bắt đầu khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, liều thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi).
Theo TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trước đó, Bộ Y tế đã phê duyệt việc triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại TPHCM. Hiện Bộ cũng đang xây dựng kế hoạch để mở rộng độ tuổi tiêm chủng cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi cho các các tỉnh thành còn lại.
Thời gian qua, tại TP HCM và nhiều tỉnh miền Nam, dịch sởi tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh trong nhóm tuổi 10 đến 14 và 6 đến 9 tháng tuổi. Hiện Đồng Nai vẫn tiếp tục dẫn đầu về số ca mắc sởi với hơn 5400 tính từ đầu năm 2024 đến nay. Tại TP HCM, từ đầu năm 2024 đến đầu tháng 12 ghi nhận gần 2.400 ca bệnh sởi, đã có 4 trường hợp tử vong.
"Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đồng ý bổ sung thêm 260.000 liều vaccine sởi cho Việt Nam tiêm cho độ tuổi 6-9 tháng tuổi. Hiện tại Bộ Y tế đang hoàn thiện các thủ tục để tiếp nhận vaccine và triển khai phân bổ đến các địa phương, nhất là những điểm nóng của dịch" - TS Hoàng Minh Đức cho biết.
Trước đấy, từ đầu năm 2024, Bộ Y tế đã xây dựng chiến dịch tiêm vaccine sởi nằm ngoài Chương trình tiêm chủng quốc gia, mở rộng tiêm cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi và tổ chức tiêm cho 18 tỉnh/thành có nguy cơ cao và rất cao. Đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ tiêm chủng đạt 98%, hơn 1,2 triệu liều vaccine do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ đã tiêm hết.
Theo ông Đức, các nghiên cứu cho thấy vaccine sởi đơn có thể tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi vaccine này được xem như là mũi "sởi 0" và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vaccine sởi theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn