Theo báo cáo của Sở Y tế Bắc Ninh, đến hết ngày 18/3, tổng cộng đã có 3.426 trẻ được khám, xét nghiệm. Trong đó, 1.843 trẻ đã được trả kết quả và 225 trẻ dương tính với sán lợn (chiếm 12,5%).
Liên quan đến vụ hàng trăm trẻ ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) nhiễm sán, sáng ngày 19/3, đoàn công tác của Bộ Y tế đã tới Bắc Ninh để xác minh, tìm nguyên nhân. Đầu giờ chiều ngày 19/3, đoàn công tác và UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức họp báo.
Tại buổi họp báo, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin, Bộ đã chỉ đạo sát sao vụ việc. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin của Bắc Ninh không đồng nhất, ai cũng công bố được, khiến người dân “hoang mang”.
"Đáng ra, việc cung cấp thông tin phải giao về một đầu mối. Chung ta không ngại. Quan điểm của Bộ Y tế là tuyệt đối không được bao biện, ai sai đến đâu xử lý đến đó”, ông Phong nói.
Về nguyên nhân gây sán, ông Phong cho biết có nhiều yếu tố. Trong đó, ngoài thực phẩm ăn uống trực tiếp, con người cũng có thể nhiễm sán qua môi trường nước, không rửa tay sau khi đi vệ sinh. Vì vậy, phải khẳng định rõ ràng rằng không chỉ thực phẩm ăn ở trường mà còn nhiều con đường dẫn đến nhiễm sán.
Đối với kết quả xét nghiệm, ông Phong nói, không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn cũng dương tính với sán. Không chỉ ở Bắc Ninh mà nhiều tỉnh, thành phố cũng có người nhiễm sán. Kết quả điều tra giám sát được thực hiện trước đây là 55 tỉnh, thành có sán. Như vậy, việc tồn tại sán là phổ biến ở Việt Nam, riêng Bắc Ninh, tỷ lệ nhiễm sán khá cao. Cá biệt, ở những vùng có thói quen ăn gỏi sống thì tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ lên đến 26%.
Đối với những kết quả dương tính nhưng liệu có khẳng định trong người có sán hay không? Theo ông Phong, kể cả dương tính trong máu cũng có thể không có sán. Việc xét nghiệm chỉ là một trong những biện pháp hỗ trợ chẩn đoán, chỉ những người có biểu hiện mới xét nghiệm cùng biện pháp khác để xác định. Việc các bác sĩ, chuyên gia mới đây lên tiếng là hoàn toàn chính xác. Hơn nữa, theo phác đồ Bộ Y tế ban hành năm 2004, những trẻ dương tính như ở Bắc Ninh chưa phải điều trị. Bệnh nhân chỉ điều trị khi sán đã trường thành và dùng duy nhất một liều.
Theo ông Phong, trong vụ việc này, bệnh nhân tự nguyện đến khám. Tuy nhiên, thay vì trả kết quả sẽ kiến nghị cử cán bộ của Viện xuống địa phương theo dõi. Khi kiểm tra giám sát tại cộng cộng, nếu trẻ có biểu hiện bệnh mới tố chức điều trị. Đối với các bé chưa có kết quả hoặc chưa xét nghiệm thì địa phương cần theo dõi sức khỏe nói chung một cách thường xuyên. Trong đó, có giám sát ký sinh trùng đường ruột.
“Việc người dân ùn ùn đi xét nghiệm là lo lắng của người dân, lo lắng chính đáng nhưng phát ngôn phải có cơ sở, có khoa học. Chúng tôi cũng kiến nghị cơ quan chức năng xử lý những trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận”.
Trước thông tin công ty cung cấp thực phẩm cho trường mầm non tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đã gỡ biển hiệu, có dấu hiệu né tránh, ông Phong cho biết không thể đánh đồng tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm và việc xử lý. Việc công ty làm nếu sai thì dù thay tên hay đổi địa điểm cũng phải xử lý. Nhiều cơ sở khác trong thời gian vừa qua cũng đã có vi phạm và bị xử lý nghiêm.