‘Bóc mẽ’ 5 chiến lược định giá theo tâm lý

06:00 | 23/07/2016;
Những mức giá hấp dẫn hay mua 1 tặng 1 là những chiêu trò hút khách không hề mới được từ các cửa hàng bán lẻ cho đến các tập đoàn lớn áp dụng.

Chiến lược giá hấp dẫn

emigo-khuyen-mai-thang-122015-dong-gia-99-699k-1.jpg

Chiến lược này thường được gọi là ‘Giá hấp dẫn’ và nó sử dụng những số 9 ở cuối giá để đánh lừa tâm lý người mua.

Người mua hàng thường rất thích nhìn thấy những cái giá chẳng hạn như 9.999 đồng hay 99.999 đồng hơn là 10.000 đồng hay 100.000 đồng. Bởi lẽ đơn giản là não bộ của người mua sẽ phân tích và nhận thấy rất nhanh rằng 9.999 sẽ thấp hơn 10.000.

Năm 2015, một nghiên cứu mang tên “Hiệu ứng của con số bên trái trong nhận thức về giá cả” đã được thực hiện tại Mỹ. Trong kết luận, những chuyên gia nghiên cứu giải thích rằng: “Sự kết thúc bằng con số 9 trên giá giúp con số đó luôn được coi là nhỏ hơn so với cái giá mà trong đó, con số bên trái cao hơn 1 đơn vị. Ví dụ: 3,00 USD luôn lớn hơn 2,99 USD. Nhưng nếu chữ số bên trái mà không thay đổi thì cảm giác về giá cũng sẽ không thay đổi, chẳng hạn như với 2 cái giá 3,60 USD và 3,59 USD, người mua không nhìn thấy sự khác biệt quá lớn giữa 2 con số này vì số bên trái dấu phẩy không thay đổi”.

Tóm lại, một trong những cách để tăng doanh thu bán hàng tốt nhất là kết thúc giá của sản phẩm bằng những con số 9. Bạn có thể thấy thực tế là ngay cả một tập đoàn khủng lồ như Apple cũng sử dụng phương pháp này.

Thêm vào đó, Keith Coulter, giáo sư marketing tại Đại học Clark (Mỹ) còn khuyên rằng để tạo ra được hiệu ứng lớn hơn, các cửa hàng và công ty nên in phần tiền lẻ, tức là phần đuôi số 9 với phông chữ nhỏ hơn.

Chiến lược làm tròn giá

boc-me-5-chien-thuat-cua-cac-doanh-nghiep-2.jpg

Giá làm tròn là chiến lược hoàn toàn ngược lại với chiến lược giá hấp dẫn. Đúng với tên gọi của nó, giá thành của các sản phẩm  trong chiến lược này sẽ không còn được giữ ở mức giá kiểu 9.999 nữa mà sẽ là 10.000.

Chắc hẳn lúc này bạn đang tự hỏi tại sao lại có 2 phương pháp trái ngược cùng tồn tại và cùng có hiệu quả như nhau. Câu trả lời đơn giản nằm ở chỗ những con số được làm tròn ngắn gọn sẽ giúp đầu óc của người mua xử lý và suy nghĩ một cách trôi chảy hơn từ đó khuyến khích cảm xúc tích cực từ người tiêu dùng. Ngược lại, điều này sẽ không thể xảy ra ở những con số lẻ loi khiến người tiêu dùng phải suy nghĩ quá nhiều và từ đó dẫn đến sự phụ thuộc quá nhiều vào nhận thức, ý chí của người mua. Tóm lại, những con số tròn giúp người mua có cảm tình hơn và sẵn sàng mua sản phẩm theo cảm tính của mình.

Nghiên cứu tại Mỹ cũng cho thấy người tiêu dùng Mỹ muốn mua một chai rượu sâm panh với giá 40 USD hơn là giá 39,72 USD hay 40,28 USD.

Mua một tặng một

boc-me-5-chien-thuat-cua-cac-doanh-nghiep.jpg

Đây là một chiến lược giá mà khách hàng trả tiền cho 1 sản phẩm hoặc dịch vụ nhưng lại được thêm một sản phẩm hay dịch vụ miễn phí đi kèm.

Chiến lược tâm lý này chỉ đơn giản là dựa vào việc khai thác lòng tham của mỗi người. Các nhà cung cấp thấy rằng hầu hết người đi siêu thị thường ưa chuộng những mặt hàng có đồ khuyến mãi, có quà tặng kèm vì vậy đây là một chiến lược dễ thực hiện và rất được ưa chuộng.

Tuy nhiên, chiến lược này lại đang mắc phải nhiều vấn đề khi mà nó đã được áp dụng quá rộng rãi và khá cũ. Vì vậy để khuấy động hay làm mới nó trở lại, các doanh nghiệp có thể áp dụng các cách sau:

  • Mua 1 sản phẩm, giảm giá 25% trong lần mua tiếp theo.
  • Mua 1, nhận các phần quà trị giá …

Chiến lược giá so sánh (Ở đây giá cả luôn được đặt bên chất lượng)

Giá so sánh được đánh giá là một trong những chiến lược đặt giá tâm lý hiệu quả nhất từ trước đến nay. Chiến lược này đơn giản là cung cấp 2 sản phẩm tương tự cùng 1 lúc, nhưng đặt ra mức giá chênh lệch nhau.

Đây có lẽ là một trò chơi tâm lý lựa chọn dành cho khách hàng. Khách hàng sẽ phải đưa ra một lựa chọn giữa 2 sản phẩm tương tự nhưng có mức giá khác nhau. Và kết quả của chiến lược này thường là khách hàng sẽ chọn mua sản phẩm đắt tiền hơn bởi quan niệm đơn giản: “Đắt sắt ra miếng”, có nghĩa là giá cao tương đương với chất lượng.

boc-me-5-chien-thuat-cua-cac-doanh-nghiep-1.jpg

Chiến lược thay đổi giá và cách hiển thị của giá

Khi mà một doanh nghiệp đặt giá bán hiện tại cạnh giá trước đây của sản phẩm, chắc chắn, ít nhiều doanh nghiệp đó sẽ làm tăng được doanh thu của công ty mình. Bởi lẽ ‘chiêu’ này khiến người mua cảm thấy giá hiện tại rẻ hơn, dễ chấp nhận hơn với họ, họ sẽ có một món hời nếu mua sản phẩm đó, vì vậy họ mua nó.

Nhưng không chỉ đơn giản là đặt 2 cái giá cạnh nhau, các doanh nghiệp cần phải sử dụng một chút thủ thuật thay đổi hình ảnh trực quan của giá như thay đổi font chữ, kích thước, màu sắc để gây ấn tượng cho người tiêu dùng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn