Bọc răng sứ có cần lấy tủy không? Quy trình bọc răng sứ sau khi lấy tủy gồm những bước như thế nào?
Bọc răng sứ là một phương pháp vừa có giá trị thẩm mỹ vừa có giá trị điều trị, được áp dụng phổ biến trong nha khoa. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn khá e dè khi lựa chọn bọc răng sứ bởi cho rằng bọc răng sứ thì sẽ phải thực hiện lấy tủy. Vậy sự thực bọc răng sứ có cần lấy tủy không và điều này có làm ảnh hưởng đến sức khỏe hay không?
Trước tiên, bạn cần biết rằng tủy răng là cấu trúc nằm trong hốc tủy của răng. Nó được cấu tạo từ hệ thống phức tạp các mạch máu và thần kinh. Chức năng của tủy răng là giúp răng có thể cảm giác, nuôi dưỡng răng liên tục.
Khi mất tủy răng, các răng sẽ không còn được nuôi dưỡng thường xuyên và mất đi khả năng cảm giác vốn có. Nên răng sẽ bị thay đổi màu sắc, dễ mẻ, răng không còn vững chắc, lung lay, thậm chí là rớt ra khỏi hàm, giảm tuổi thọ so với răng thông thường,...
Do đó, bọc răng sứ có cần lấy tủy không thì câu trả lời là điều này không áp dụng cho tất cả các trường hợp. Nếu như bệnh nhân bọc răng sứ khi hình thái của răng còn bình thường, các tổn thương chưa ăn sâu đến hốc tủy và tủy răng chưa bị tổn thương thì lấy tủy là điều không cần thiết.
Lạm dụng lấy tủy răng trong các trường hợp này sẽ gây nên các hậu quả tương tự với răng bị chết tủy. Lúc này kể cả khi có được thực hiện bọc răng sứ thì tuổi thọ của răng cũng chỉ có thể kéo dài từ 15-20 năm, sau đó răng sẽ rụng đi.
Quyết định lấy tủy khi bọc răng sứ chỉ được bác sĩ đưa ra khi răng của bệnh nhân có các tổn thương nặng nề ăn sâu vào đến hốc tủy, làm tủy răng tổn thương hoặc tủy răng đã bị chết từ trước đó. Chẳng hạn có thể kể đến các trường hợp như:
- Răng có các lỗ sâu răng ăn sâu đến tận hốc tủy, gây viêm tủy và chết tủy.
- Răng bị chấn thương nặng và khiến tủy răng bị tổn thương.
- Răng bị hô, móm, lệch lạc nặng,... có tiên lượng phải mài răng nhiều trước khi bọc răng sứ.
Còn khi bọc răng sứ cho các trường hợp như răng sâu nhẹ chưa ăn đến tủy, răng bị chấn thương nhẹ, hoặc phục hình răng cho các bệnh nhân răng xỉn màu do kháng sinh, răng sẫm màu,... thì các bác sĩ sẽ cố gắng thực hiện các thao tác đúng kỹ thuật để bảo tồn tủy răng cho người bệnh.
Để biết được một bệnh nhân bọc răng sứ có cần lấy tủy không, trước tiên bác sĩ sẽ đưa ra quyết định dựa trên các kết quả thăm khám và những vấn đề mà bệnh nhân gặp phải.
- Có cảm giác đau, nhói hoặc nhạy cảm với nhiệt độ nóng, lạnh khi ăn uống.
- Răng bị sâu nặng, có các dấu hiệu của răng đã chết tủy như thay đổi màu sắc, dễ mẻ, lung lay, mất vững,...
- Nhiễm trùng nặng các cấu trúc quanh răng (nha chu), có mủ chảy vào khoang miệng.
- Đau răng trong thời gian dài, cường độ và tần suất đau ngày càng tăng lên, đáp ứng ít với thuốc giảm đau.
Khi có các dấu hiệu này, khả năng tủy răng của người bệnh đã bị tổn thương là rất lớn. Do đó, chúng là những gợi ý cho bác sĩ có cần phải lấy tủy trước khi bọc răng sứ cho người bệnh hay không.
Khi răng đã được lấy tủy, hốc tủy răng sẽ được lấp đầy bằng chất chuyên dụng, hay sử dụng là nhựa nha khoa Gutta Percha.
Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành mài chỉnh lại răng của bệnh nhân và tiến hành gửi các thông số về phòng labo. Tại đây, mô hình răng sứ dành cho bệnh nhân sẽ được dựng lên nhờ vào các thông số đã có, sao cho tạo nên một mô hình răng sứ tương đồng nhất với ban đầu để có mức độ phù hợp cao nhất.
Thông thường bệnh nhân sẽ cần phải chờ đợi khoảng từ 2-3 ngày để phòng labo chuẩn bị mão răng sứ, một số trường hợp nhanh thì mão răng sứ có thể được hoàn thiện ngay trong ngày.
Sau khi mão răng sứ đã được chuẩn bị hoàn tất, nó sẽ được gắn vào răng của bệnh nhân. Quy trình gắn mão răng sứ sẽ kéo dài khoảng 60 phút.
Do đã lấy tủy răng, chức năng thần kinh của răng đã bị phá hủy, nên cả quá trình mài răng và gắn mão răng sứ đều không có bất cứ đau đớn nào. Người bệnh sẽ chỉ cảm thấy đau khi lấy tủy răng, nhưng trước đó bệnh nhân sẽ được gây tê bằng phương pháp thích hợp. Vì vậy, người bệnh cũng không cần phải quá lo lắng.
Qua đây có thể thấy rằng, bọc răng sứ có cần lấy tủy không là một lựa chọn chỉ được áp dụng cho các trường hợp đặc biệt, không thể tiếp tục bảo tồn tủy răng. Nếu có thêm thắc mắc, hãy tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn