Bệnh nhi chào đời ngày 9/3 tại Bệnh viện Từ Dũ mang khối u quái khổng lồ vùng cùng cụt hậu môn có kích thước 11cm chứa da, ruột, chân, tóc...
Do khối u to, có chỗ bị loét, vỡ, chảy dịch nguy cơ nhiễm trùng rất cao, các bác sỹ phải quyết định mổ cấp cứu ngay cho bệnh nhi.
Theo bác sỹ Tạ Huy Cần, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cái khó của ca phẫu thuật là quá trình phẫu thuật khiến trẻ mất một lượng lớn huyết tương và máu trong khối u, nguy cơ nhiễm trùng lớn vì tổn thương lớn, đặc biệt khối u có thể bị vỡ bất cứ lúc nào... có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhi. Do vậy, các bác sỹ cần tiên lượng trước mọi tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt, do bệnh nhi phải nằm sấp để phẫu thuật nên việc gây mê cũng gặp nhiều thử thách.
Nhờ có sự chuẩn bị tốt, chiều 14/3, ca phẫu thuật đã diễn ra thuận lợi, sau 3 giờ đồng hồ các bác sỹ đã cắt được trọn vẹn khối u nặng hơn 1kg ra khỏi cơ thể bệnh nhi. Sau phẫu thuật, toàn trạng bệnh nhi ổn định. Tuy nhiên, các bác sỹ lo ngại, việc mổ khối u khổng lồ vùng cùng cụt có thể gây ảnh hưởng tới chức năng đại tiểu tiện của trẻ sau này (vì khi mổ có thể ảnh hưởng tới thần kinh chi phối đại tiểu tiện) nên bệnh nhi vẫn cần được theo dõi lâu dài.
Bệnh u quái ở trẻ sơ sinh là một loại u phát triển do còn tồn tại của tổ chức bào thai trong thời kỳ mang thai và có thể phát triển ở nhiều nơi trong cơ thể. Bệnh u quái ở trẻ sơ sinh có thể phát hiện bằng cách siêu âm trong thời kỳ mang thai và phải chủ động mổ đẻ, sau đó đưa trẻ tới những trung tâm phẫu thuật nhi chuyên sâu sớm để chuẩn bị phẫu thuật.
Đây là một trong những trường hợp phẫu thuật thành công nhờ sự phối hợp chặt chẽ của mô hình sản-nhi giữa Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đặc biệt với những bệnh lý dị tật bẩm sinh nặng cần can thiệp kịp thời sau sinh được chẩn đoán sớm từ trong bụng mẹ. Đã có hơn 20 trường hợp bị dị tật sơ sinh được chuyển từ Bệnh viện Từ Dũ về Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để can thiệp kịp thời./.