Ngày 12/5, bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó Trưởng Khoa Điều trị Nội trú ban ngày (BV Da liễu TƯ) cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân bị bỏng nắng.
Trước đó, bệnh nhân đến BV thăm khám với làn da đỏ phồng rộp. Bệnh nhân cho biết, cách đó 2-3 ngày có đi tắm biển. Dù vậy, trước khi tắm biển, bệnh nhân có kem chống nắng theo hướng dẫn. Tuy nhiên, nhiều vùng da vẫn bị cháy nắng, nhất là vùng mặt. Ngoài ra, vùng tay bị sưng nề, ngứa, bỏng rát, phồng rộp như bỏng hơi nước. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bỏng nắng, phải dùng thuốc bôi kết hợp uống để điều trị.
Theo bác sĩ Tâm, trong những ngày hè, khoa tiếp nhận từ 3-5 bệnh nhân bị bỏng nắng/ngày do tia UV.
Theo các chuyên gia, tia UV hay còn gọi là tia tử ngoại, tia cực tím là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn bước sóng của ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn bước sóng của tia X. Tia UV được chia ra làm 3 loại, gồm: tia UVA (bước sóng từ 380 - 315nm) còn được gọi là sóng dài hay ánh sáng đen; tia UVB (bước sóng 315 - 280nm) còn được gọi là sóng trung; tia UV (bước sóng ngắn hơn 280nm) còn gọi là sóng ngắn hay sóng có tính tiệt trùng.
Tia UV có rất nhiều tác hại với cơ thể. Theo đó, tia UV là tác nhân gây ung thư nổi bật và phổ biến trong môi trường. Tình trạng tiếp xúc quá lâu với ánh sáng mặt trời có khả năng gây ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và khối u ác tính. Thứ hai, da hấp thụ năng lượng từ tia UV có thể gây cháy nắng. Khi đó, máu sẽ chảy thêm vào vùng da bị tổn thương để chữa lành. Đó là lý do tại sao da chuyển sang màu đỏ khi bị cháy nắng. Thứ ba, tình trạng tiếp xúc quá nhiều với bức xạ UV có tác dụng ức chế gây hại cho hệ thống miễn dịch. Các nhà khoa học cho rằng cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu ở người trong vòng 24h sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tình trạng này lặp đi lặp lại quá nhiều với bức xạ UV có thể gây ra tổn thương trầm trọng hơn cho hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Ngoài ra, tia UV còn có thể gây lão hóa da. Bởi tia cực tím có khả năng phá hủy collagen và mô liên kết bên dưới lớp trên cùng của da, gây ra nếp nhăn, đốm màu nâu và mất độ đàn hồi của da. Sự khác biệt giữa tone màu da, nếp nhăn hoặc sắc tố ở mặt dưới và mặt trên ở cùng một cánh tay cho thấy tác động của ánh nắng mặt trời lên da. Một làn da rám cháy nắng trông có thể ổn trong hiện tại, nhưng về sau làn da sẽ sớm nhăn nheo, hay thậm chí gây ung thư da.
Bác sĩ Tâm cho biết, để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của UV, người dân hạn chế ra nắng giờ cao điểm. Khi ra nắng cần sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30+ và thoa sau mỗi hai tiếng. Có thể sử dụng viên uống chống nắng phối hợp để bảo vệ da.
Ngoài ra, cần có biện pháp bảo vệ vật lý gồm mũ, kính râm, ô, khẩu trang, găng tay, tất, quần áo sậm màu và trú dưới bóng râm. Bên cạnh đó uống đủ nước, bổ sung thêm rau củ quả tươi trong bữa ăn hàng ngày.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn