Bóng đèn led đồ chơi bị bỏ quên 1 năm trong đường thở bé 6 tuổi

18:01 | 28/12/2017;
Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi bỏ quên dị vật là bóng đèn led đồ chơi suốt 2 năm trong đường thở. Tuy dị vật đã được lấy ra nhưng việc thực hiện một ca mổ hở khiến bệnh nhi phải đối mặt với nhiều biến chứng.
Trước đó, vào ngày 19/12, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận bệnh nhi Trần Hoàng L. (6 tuổi, quê Tiềng Giang) với triệu chứng ho kéo dài.  

Theo lời kể của người nhà, cách nhập viện 1 năm, bé có nuốt bóng đèn led trong đồ chơi. Sau đó, bé ho sặc sụa, ói. Gia đình có đưa bé đến một phòng khám tư thăm khám uống thuốc. Tuy nhiên, bé vẫn bị ho khò khè, tái phát thường xuyên, ho đàm tăng, ói vài lần trong ngày, hơi thở hôi tăng dần. Bé được gia đình tiếp tục đưa đến khám tại phòng khám tư nhiều lần, được cho thuốc uống nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm.

Cách đây khoảng 2 tháng thì triệu chứng bắt đầu nặng lên, gia đình mới đưa bé đến bệnh viện thăm khám và điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, qua chụp X-quang, bé T. được phát hiện có dị vật trong đường thở. Đến chiều ngày 19/12, bệnh nhi được khám tai mũi họng chuẩn bị để ngày hôm sau sẽ soi gắp dị vật.

Đến ngày 20/12 thì bé ho đàm nhiều, được chuyển phòng mổ soi khí phế quản. Khi soi đến phế quản hạ phân thùy dưới, bác sĩ phát hiện thấy có nhiều mủ, mô hạt. Dị vật là bóng đèn led bám vào niêm mạc, gây phù nề chảy máu nhiều. Trước tình trạng này, các bác sĩ quyết định ngưng soi, tạm hoãn gắp dị vật ra để điều trị nhiễm trùng cho bệnh nhi.

Hai ngày sau đó (22/12), bệnh nhi tiếp tục ho đàm nhiều, được chuyển đến phòng mổ nội soi thanh khí phế quản. Lúc này, các bác sĩ phát hiện có nhiều đàm mủ trắng đục phế quản gốc, phân thùy. Tiến hành hút kiểm tra thì lại không thấy dị vật. Đến trưa cùng ngày, bệnh viện quyết định chụp CTscan ngực khẩn và quyết định phẫu thuật khẩn.


Sức khỏe của bệnh nhi đã dần ổn định sau phẫu thuật

 


Ca phẫu thuật được tiến hành vào 19 giờ ngày  22/12. Khi vào khoang màng phổi, bác sĩ phát hiện thùy dưới phổi phải viêm xẹp gần như hoàn toàn. Thám sát bằng tay sờ thấy dị vật trong lòng phế quản. Các bác sĩ tiến hành cắt thùy dưới phổi phải phát hiện dị vật bóng đèn led, kích thước 3x5 cm nằm trong nhu mô phổi. Đến nay, tình trạng bệnh nhi đã ổn định trở lại.

ThS.BS Nguyễn Kinh Bang, Phó khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, nếu dị vật được phát hiện sớm hơn thì sẽ tránh được cuộc mổ, bảo tồn được phổi cho bệnh nhi.

Cũng theo BS Bang, hiện tại cuộc phẫu thuật chưa có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp đến bệnh nhi. Tuy nhiên, việc bé còn nhỏ mà phải trải qua một ca mổ hở, cắt thùy dưới phổi phải có thể sẽ gây ra những biến chứng trong tương lai như vẹo cột sống, lồng ngực bị ảnh hưởng.


Dị vật lấy ra là bóng đèn led trong đồ chơi

 


ThS.BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, khi dị vật đường thở thì trẻ sẽ ho sặc sụa, tím tái. Trong trường hợp này thì các bậc phụ huynh cần tức tốc đưa bé đến bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng nhi để thăm khám, điều trị. Nếu dị vật bị bỏ quên thì sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng phổi, viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần.

“Dị vật đường thở ở trẻ con chủ yếu là các loại hạt, đồ chơi. Phụ huynh cần biết được những nguy hiểm của dị vật đường thở, lưu ý không cho trẻ ngậm đồ vật trong miệng, nhất là với trẻ 3-4 tuổi.  Đặc biệt, trong dịp Tết sắp tới thì cha mẹ cần phải chú ý đến con, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra do dị vật đường thở”, BS Hiếu khuyến cáo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn