Chị Nghiệm và con trai Khưu Tiến Đạt lo lắng với món nợ khổng lồ phát sinh sau ly hôn |
Vợ xây chồng phá
Cầm trên tay quyết định của toà phúc thẩm về vụ án ly hôn của mình, chị Trần Thị Nghiệm (SN 1976) ở thôn Đăk Lim, xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, cứ nhạt nhoà nước mắt. Ôm con gái vào lòng, chị khóc nấc: “Không thể nào chung sống với ông ấy được nữa, nhưng ly hôn thì mình lại mang nợ. Đời tôi đến thế này coi như bỏ, nhưng tội nghiệp lũ trẻ. Vì việc này mà thằng lớn bỏ đi bụi đời. Còn con bé đang đi học, nó đang học giỏi lắm, mà giờ cũng sa sút...”.
Năm 1997, chị và ông Khưu Văn Bình tổ chức đám cưới nhưng đến năm 2001 mới đăng kí kết hôn. Trong thời gian chung sống, giữa chị và ông Bình có 2 người con chung là Khưu Tiến Đạt (SN 1998) và Khưu Thị Đoan Trang (SN 2001). Con cái ngày một lớn khôn nhưng suốt những năm tháng chung sống, gia đình chị chẳng mấy hạnh phúc.
“Tôi tất bật sớm hôm kiếm từng đồng rồi dành dụm vun vén cho gia đình. Chồng tôi không giúp gì cho vợ con, lại chơi bời, mang nợ về nhà. Tôi đã nhiều lần muốn bỏ đi, nhưng tôi vẫn cắn răng chịu đựng cuộc sống như vậy” - chị Nghiệm giãi bày.
Ngày ly hôn, vì muốn giành hết tài sản về mình, tất cả mọi thứ trong nhà từng chút một đều được ông Bình liệt kê để đưa ra phân chia. Năm 2015, chị Nghiệm có thu hoạch vụ điều trên mảnh vườn của người mẹ ruột được số tiền 200 triệu đồng, ông Bình yêu cầu toà chia đôi. “Ổng làm thế chẳng vì mục đích gì khác ngoài việc lấy tài sản cả. Bao năm chung sống ổng có lo gì được cho gia đình đâu. Mọi thứ có được ngày hôm nay đều do một tay tôi gây dựng, giờ vì không đưa tiền cho ổng nên ổng mới làm thế”.
Bản tường trình quá trình của 2 em Khưu Tiến Đạt và Khưu Thị Đoan Trang về quá trình chung sống của bố mẹ mình với toà án huyện Bù Gia Mập |
Chị Nghiệm chia sẻ: “Sau ly hôn, toà án yêu cầu tôi phải hoàn trả lại cho ông Khưu Văn Bình số tiền chênh lệch khi chia tài sản chung hơn 400 triệu đồng. Hiện nay, tôi không có nguồn thu nhập, đồng thời phải nuôi hai con ăn học, nên cứ lo khoản nợ phải hoàn trả cho ông Bình là tôi đã thấy tối tăm mặt mũi. Lúc ở toà, tôi đã đề nghị với Hội đồng xét xử phúc thẩm cho tôi được nhận phần tài sản mà ông Bình được hưởng và ngược lại, ông Bình nhận phần tài sản tôi được hưởng, nhưng toà án đã bác đề nghị này của tôi”.
Mẹ già bỗng dưng mất đất vì con gái ly hôn
Ngồi bên cạnh chị Nghiệm, bà Hồ Thị Lý – mẹ đẻ chị Nghiệm, không giấu nổi sự bức xúc. Bà Lý kể: “Tụi nó lấy nhau, thấy tụi nó nghèo khổ nên tôi cho tụi nó thu hoạch vụ mùa trên mảnh đất trồng điều của tôi. Có ai ngờ, chàng rể lại nghiễm nhiên nhận vơ mảnh đất ấy. Tòa hỏi nó chứng cứ đâu thì nó kêu mất. Trong khi tôi có giấy mua bán đất đàng hoàng giữa tôi và ông Việt thì tòa lại nói mảnh giấy viết tay không có hiệu lực”.
Bà Lý đưa ra bản photo giấy mua bán đất cho chúng tôi xem, kèm theo tờ giấy xác nhận của toà sơ thẩm Bù Gia Mập về việc giữ tờ giấy đó làm bằng chứng trong vụ án giải quyết việc ly hôn giữa con gái bà và ông Khưu Văn Bình. Nhưng hiện nay, vì không chứng minh được ông Việt từng cư trú tại địa phương, tòa đã xác định tờ giấy của bà Lý không có hiệu lực pháp lý và mảnh đất ấy của bà kèm theo 69 cây điều trên đất, được gộp vào làm tài sản chung giữa chị Nghiệm và ông Bình. Đồng thời thu hồi luôn mảnh giấy mua bán đất của bà.
Chỉ vì chị Nghiệm ly hôn chồng nên bà Hồ Thị Lý bỗng dưng bị mất thêm mảnh đất của mình |
Chị Nghiệm nói: “Toà án xác định vườn điều có diện tích 8.084,6 m2 (trong đó có 69 cây điều trồng năm 1997), toạ lạc tại Đội 1, thôn Bù Xia, xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước (đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là tài sản chung của vợ chồng tôi. Trong khi phần đất này là đất của mẹ tôi nhận sang nhượng của ông Nguyễn Văn Việt vào ngày 15/ 06/2002 (có giấy tờ mua bán đất giữa hai bên). Do cuộc sống khó khăn nên mẹ tôi cho chúng tôi thu hoạch hoa lợi trên đất. Trong khi đó, phía ông Bình không chứng minh được phần đất trên thuộc về tài sản chung giữa chúng tôi sau hôn nhân. Thế nhưng, toà án lại xác định phần đất trên là tài sản chung giữa chúng tôi. Và thế là tự dưng mẹ tôi mất đất”.