Bồng heo ngoài chợ

07:17 | 27/02/2016;
Những người phụ nữ ở gần chợ heo Bà Rén (Quảng Nam) làm một nghề rất lạ, hẳn độc nhất vô nhị, chỉ có ở Việt Nam: nghề bế heo.

Nghề của người nghèo

5h sáng, chợ heo Bà Rén (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) - nơi được xem là khu chợ buôn bán heo lớn nhất Việt Nam - đã  bắt đầu inh ỏi. Khi những chuyến xe chở heo của thương lái tập kết ở chợ cũng là lúc công việc của những người phụ nữ bế heo (hay bồng heo, theo cách gọi của người Quảng Nam) bắt đầu. Hầu hết họ đều là những người phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Công việc của họ là bắt heo trong sọt của người bán, bế lên cân, chuyển lên các xe tải hoặc cho vào lồng sắt của người mua. Tùy theo trọng lượng của từng con mà được trả công từ 500 đến 2.000 đồng cho mỗi lần bế. Để cân các chú heo một cách nhanh chóng, họ ôm heo đứng lên cân rồi lấy tổng số cân trừ đi trọng lượng bản thân.

Lúc nghề bồng heo thuê này chưa ra đời, mỗi lần cân heo giống là một lần khó khăn vì mất nhiều thời gian và công sức để nhốt heo vào rọ hay phải trói để cân, khiêng heo cho khách, nhiều khi còn làm heo bị trầy xước khiến mất giá.

Để làm được công việc này ngoài đòi hỏi về sức khỏe, các phu heo còn phải là những người chịu khó, nhẫn nại. Công việc của họ thường xuyên phải tiếp xúc với heo và mùi hôi thối.

Từng làm đủ thứ nghề để mưu sinh, bà Lưu Thị Kim Loan (50 tuổi) giờ đây chọn nghề bế heo để trang trải cuộc sống gia đình quá khó khăn. Ngày ít bà Loan bế từ 5-10 con heo, hôm nhiều bế đến năm bảy chục con. Mỗi ngày làm từ sáng sớm đến trưa, bà cũng chỉ kiếm được trung bình 40-50 nghìn đồng.

“Không có việc làm nên đành chọn nghề này để kiếm sống. Hồi mới làm tôi rất ngại khi đối diện với mùi hôi thối của phân, nước tiểu heo dính vào quần áo. Nhưng rồi cũng quen, chỉ tự cảm thấy mình dơ dáy”, bà Loan chia sẻ.

Nói về "tai nạn" trong nghề, bà cho rằng sợ nhất là để sổng heo, phải đuổi theo bắt lại: "Khổ nhất là những hôm trời mưa, heo ướt trơn nên ôm dễ bị tuột. Có hôm bế trượt tay, sểnh ra heo chạy mất thì cả buổi phải khổ sở đi lùng sục. Có những con heo rất hung, vật khỏe thì mình giữ không được dù có kinh nghiệm nhường nào. Để mất heo thì không biết lấy tiền đâu mà đền. Một con heo triệu mấy bạc của người ta, nhiều hơn tiền bế heo cả tháng".

Theo nhiều người bế heo ở đây, chuyện heo vật và chạy trốn là chuyện diễn ra thường xuyên, ngay cả với những người làm lâu năm.

Tình người ở chợ heo

Chồng bỏ đi nên năm nay dù đã 53 tuổi, bà Trần Thị Thảo vẫn bám nghề và chợ heo để nuôi hai đứa con. “Công việc cũng nặng nhọc nhưng vẫn phải ráng mà làm. Không làm thì không biết lấy gì để sống và nuôi con. Mỗi ngày tôi kiếm được từ 40-70 nghìn đồng, nói chung đủ để mấy mẹ con sống qua ngày.

Thân hình gầy gò, chỉ bế được heo nhỏ, bà Thảo vẫn nhận bế heo với tiền công mỗi con 500 đồng. Vừa thở hổn hển, bà Thảo vừa chỉ tay xuống rọ heo: “Bế chỗ này nãy giờ là mười con heo họ trả cho 5 nghìn đồng”.

Ở chợ, ai muốn bế heo cũng được. Theo bà Thảo, ngày xưa chợ heo này chỉ có 2 người bế thôi nhưng giờ đã tới chục người.

Những người phụ nữ bế heo ở chợ này không bao giờ giành giật của nhau. Chợ kéo dài từ sáng sớm đến trưa vẫn vậy.

“Ở đây, ai làm người ấy ăn. Cũng hoàn cảnh tương tự nhau nên chị em  cánh bế lợn chia sẻ, đùm bọc nhau và đoàn kết lắm. Nghĩ thương cho nhau hơn là tính chuyện tiền nong. Ít người làm thì mỗi ngày có thể được 70-80 nghìn đồng, đông người hơn thì phải chia ra nên thu nhập giảm đi ít. Nhưng nghĩ người ta cũng khổ như mình mới phải đi làm nghề này. Đều cảnh cùng cực nên nương tựa vào nhau để mà sống thôi, không ai nghĩ hơn thua cả”, bà Thảo trải lòng.

Bà Loan, bà Thảo dù đôi lúc nhìn người quen, bạn bè cũ sống đầy đủ hơn, cũng có chạnh lòng cho cảnh nghèo của mình. Nhưng họ không bao giờ mặc cảm: "Mình là người sống bằng nghề lương thiện mà. Sao phải mặc cảm".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn