Chương trình truyền hình thực tế DJ Star mùa 2 do Trung tâm kỹ thuật truyền hình Cáp – Đài Truyền hình Việt Nam (VTVCab) tổ chức đang tuyển chọn thí sinh tham dự vòng loại Audio Online từ các DJ trên khắp cả nước. Đây là một sân chơi nhằm tìm kiếm tài năng DJ, đồng thời gửi gắm thông điệp mong muốn công chúng có cái nhìn khách quan, cởi mở với dòng âm nhạc điện tử Vinahouse và VBass, sớm công nhận dòng nhạc này trở thành một thể loại âm nhạc chính thức.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị Hạnh Chu – "bông hồng thép" duy nhất trong BTC chương trình xoay quanh sân chơi DJ Star cũng như chuyện hậu trường của dòng nhạc được coi là "đặc sản" của cuộc sống về đêm:
Được biết, thí sinh tham dự sân chơi DJ Star hầu như toàn nam giới. Là người phụ nữ duy nhất trong BTC, chị có gặp khó khăn gì không?
Tôi luôn đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu, nên làm việc với nam hay nữ đều giống nhau, miễn là hiệu quả. Cá nhân tôi vẫn thầm nghĩ không biết có phải tôi nam tính quá hay không khi tôi thấy phù hợp làm việc với nam giới. Tôi thích sự đơn giản, tính nhường nhịn có sẵn và sẵn sàng thỏa hiệp với những yêu cầu của họ. Trong khi phụ nữ chúng tôi thường hơi phức tạp hay quan tâm đến tiểu tiết, cẩn thận, cầu toàn hơn. Là phụ nữ, tôi thấy mình có lợi thế khi làm việc với các nam DJ trẻ.
Nhiều người có cái nhìn không thiện cảm về nghề DJ, nhất là những người thuộc thế hệ trước. Là giám đốc sản xuất và truyền thông của chương trình, chị phải làm sao để có thể thay đổi tư duy đó?
Cá nhân tôi nghĩ trong âm nhạc có những giai điệu phù hợp với từng lứa tuổi. Thực ra DJ là thể loại dễ nghe, khi người ta buồn có thể nghe để vui hơn, khi vui nghe xong thì lại càng hưng phấn hơn nữa. Thậm chí nhạc DJ còn có khả năng hỗ trợ chữa bệnh. Rất nhiều công trình nghiên cứu âm nhạc chỉ ra rằng nhạc DJ có thể hỗ trợ chữa bệnh tàn tật, tự kỷ rất tốt.
Để chạm tới trái tim người nghe, bản thân mỗi DJ khi sáng tạo ra bản nhạc nào đó đã dùng cảm xúc, tình cảm và cả trái tim mình. Sự chân thành ấy sẽ gặp những tâm hồn bạn trẻ ở một tần số nào đó giống nhau, tạo thành "gu" âm nhạc. Từ đó DJ mới có các fan hâm mộ và phát triển sự nghiệp.
Với vai trò của nhà sản xuất, tôi sẽ nỗ lực để "lột tả" các DJ trên nhiều khía cạnh và giúp các bạn trẻ "bắt" được tần số này. Thông qua chương trình, khán giả sẽ hiểu hơn về các DJ và yêu mến họ.
Lao động về đêm của các bạn trẻ DJ có nhiều cảm dỗ và khó có cuộc sống bình thường vì lệch múi giờ sinh hoạt. Theo chị, DJ phải làm thế nào để cân bằng bản thân?
Đúng là DJ thường phải làm việc rất muộn. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, họ dễ bỏ qua những khuôn phép để được sống hết mình. Tất nhiên, trong thời gian dài họ phải tìm cách để thích nghi với con người và hoàn cảnh. Chỉ có đam mê thì mới giúp họ có thể làm việc rất muộn, cống hiến cho nghệ thuật như vậy. Tôi nghĩ khi các bạn có đam mê, các bạn sẽ tự cân bằng được bản thân mình.
Chị nghĩ các bạn DJ sợ nhất điều gì ở một "bông hồng thép" như mình?
Các thành viên khác của BTC đều là các huấn luyện viên DJ có tiếng, nhưng họ và các bạn DJ thường không quen làm việc theo deadline, đôi lúc bị cảm xúc chi phối. Còn tôi thì quen làm việc theo kế hoạch, giới hạn thời gian cũng là một yêu cầu bắt buộc nếu muốn công việc thực sự hiệu quả. Thời gian đầu cũng hơi khó khăn, sau đó các bạn tôn trọng vì biết tôi đang cố gắng làm tốt nhất cho chương trình. Do đó, các bạn có được sự hợp tác nhịp nhàng. Mặt khác, đôi khi các bạn cũng "nhường" tôi nữa.
Xin cảm ơn chị!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn