Đặng Hoàng Ánh (tên khai sinh là Nguyễn Phúc Ngọc Diệp) sinh ngày 28/4/1932 ở Huế trong một gia đình “danh gia vọng tộc”. Theo nhiều tài liệu lịch sử, Đặng Hoàng Ánh là con bác con chú ruột, chung một người ông với vua Bảo Đại và là cháu nội của Thái hậu Từ Dũ (mẹ của vua Tự Đức).
Bà Đặng Hoàng Ánh (tức Phạm Ngọc Diệp, Út Diệp, Ba Diệp...) ảnh chụp khi còn nhỏ và năm 2008. |
Con đường tình báo của Nguyễn Phúc Ngọc Diệp bắt đầu từ biến cố trong bối cảnh đất nước bị xâm lăng, nhiều người thân trong gia đình thiệt mạng, chỉ duy nhất Ngọc Diệp được cán bộ cách mạng là đồng chí Phạm Hùng cứu thoát. Khi ấy, bà chỉ khoảng 11 tuổi. Chính tuổi thơ bất hạnh, thời thế loạn lạc đã dẫn lối đưa đường một thiếu nữ 11 tuổi như bà đi theo con đường cách mạng. Mong ước đền nợ nước, trả thù nhà là động lực để bà cố gắng học hỏi và trở thành một nhà tình báo xuất sắc, luồn sâu trong lòng địch, thực hiện những trận đánh cảm tử rúng động chính quyền địch.
Bản thân may mắn được đồng chí Phạm Hùng cứu đưa về Sài Gòn giao gửi cho đồng chí Phạm Văn Xô cưu mang và nuôi nấng. Bà được các đồng chí che chở tránh sự truy sát (vì bà là con của Trần Lệ Chất chống Pháp), gom tiền cho đi học và hướng tư tưởng vào con đường cách mạng. Sau này khi lớn lên bà vẫn coi đó là 2 người anh thân tín, bà luôn quý như cha, như anh ruột của mình. Những lúc buồn muốn buông xuôi, anh Hai Xô (đồng chí Phạm Văn Xô) lại động viên: "Út Diệp, em phải nhẫn nhục cố học cho thành tài, hôm nay mây mù, ngày mai sẽ có bình minh chiếu sáng, sau lũ lụt đất nhiều phù sa, cây lại tươi tốt".
Chính nhờ những lời động viên ấy cô bé mồ côi lại cố gắng, luôn đạt kết quả xuất sắc, hoàn thành Tú tài I, II rồi thi đỗ luôn vào trường đại học Y khoa Hà Nội khi chưa đủ tuổi. Đó là con đường bắt đầu dẫn bà đến với cách mạng và trở thành một sinh viên y khoa xuất sắc, một nhà tình báo chiến lược từng làm cho bọn Mỹ - Ngụy bao phen chao đảo.
Một hôm đi bán báo dạo, đồng chí Hai Xô giao cho cô mang theo hai quả lựu đạn, đến rạp hát Nguyễn Văn Hảo (Sài Gòn) cô liều mình rút kíp ném chết 2 tên lính Pháp. Với chiến công đầu đời, cô bé Ngọc Diệp được các anh khâm phục về sự gan dạ và phong cho biệt danh con bé to gan lớn mật. Với bản lĩnh, thông minh, Ngoc Diệp được xứ ủy Nam kỳ cử đi học lớp phản gián ở Đông Cao Miên với thời hạn một năm. Khóa học phản gián đầu tiên đã trang bị nền móng kiến thức để sau này bà trở thành tình báo chiến lược.
Sau khi hoàn thành khóa học phản gián ở Đông Cao Miên, năm 1952 Ngọc Diệp trở về vừa đủ tuổi vào học tại đại học Y khoa Hà Nội, một năm sau thì chuyển vào Sài Gòn. Bốn năm trôi qua, Ngọc Diệp là sinh viên xuất sắc, thuộc danh sách thí sinh học bổng để sang Pháp học. Nhân tiện tổ chức Xứ ủy Nam kỳ cử đi học để đào tạo bác sỹ giỏi cho cách mạng sau này. Bà nhận được học bổng của một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới (Đại học Sorbonne Paris).
Tháng 8/1958, kết thúc khóa học, Ngọc Diệp chính thức về nước, nhanh chóng móc nối lại với tổ chức để quán triệt đường lối. Tại Sài Gòn, trong cuộc họp bí mật tổ chức nhận định: "Với văn bằng Y danh tiếng, Ngọc Diệp cần phải đi xin việc ngay. Đảng, tổ chức cần những người hợp pháp như Ngọc Diệp để leo cao, chọc sâu vào lòng địch. Hiện tại chính quyền Ngô Đình Diệm đang rất cần cán bộ ở các bệnh viện công, nếu đi xin thì sẽ được ngay.
Để luồn sâu vào bộ máy địch, bà trở thành con nuôi Tổng thống Ngô Đình Diệm |
Đúng một ngày sau khi nhập cảnh vào Sài Gòn, sáng 29/8/1958 Phạm Ngọc Diệp lấy tên Tây Léna Phạm và cầm hồ sơ đến gặp Bộ trưởng y tế Trần Đình Đệ xin việc. Nhờ một người cậu bên ngoại của Ngọc Diệp là Docteur Quế bạn của Bộ trưởng Đệ, cũng là bác sỹ riêng của bà Phạm Thị Thân mẹ của Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên Ngọc Diệp được tiếp đón. Cô được vào Dinh Gia Long (nay là Dinh Độc Lập) để trò chuyện. Sau đó, do mối quan hệ trước đây của gia đình bà và gia đình Ngô Đình Diệm, bà được Ngô Đình Diệm nhận làm con nuôi.
Từ một cô gái mồ côi, không vai vế, vận may đang thênh thang mở ra trước mắt Ngọc Diệp. Cô trở thành con nuôi của viên tổng thống thét ra lửa, mang thân thế lá ngọc cành vàng. Cái mác là con nuôi Tổng thống là điều kiện thuận lợi để thực hiện những kế hoạch mà phía cách mạng giao phó.
Sau khi nhận làm con nuôi, Tổng thống Ngô Đình Diệm quyết định cấp ngay cho Ngọc Diệp một khẩu súng Rulo, 6 viên đạn cùng giấy phép đặc quyền sử dụng có ấn ký của Tổng thống, để phòng thân đối với trường hợp bất trắc. Bên cạnh đó lệnh của Tổng thống sang bộ Y tế, Ngọc Diệp được cấp một biệt thự, xe hơi. Ngoài ra cô được quyền lựa chọn nơi làm việc hoặc là quê Ngoại Vĩnh Long, hoặc là ngay nội đô Sài Gòn.
Ngọc Diệp hài lòng bí mật trở về tổ chức nhận nhiệm vụ mới. Đó là điều kiện để cô trở về quê Vĩnh Long thăm bà ngoại. Cũng trong cuộc họp bí mật, tổ chức đồng ý cho Ngọc Diệp nghỉ phép 4 ngày về quê, đồng thời chỉ thị gặp đồng chí Albet Thảo, Phó Tỉnh đoàn trưởng Bảo an đoàn, kiêm Phó Tỉnh trưởng quân sự Vĩnh Long (có tên khác là Đại úy Phạm Ngọc Thảo, người của cách mạng cài cắm). Ở đó Ngọc Diệp sẽ được giao một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.
Tại quê nhà Vĩnh Long, Ngọc Diệp đến địa chỉ bí mật gặp Đại úy Albet Thảo, đưa cho cô một tờ giấy: "Thi hành án ngày 3/9/1958". Cô gật đầu nhận lệnh. Người mà phía cách mạng cần phải khử ngay đó là tên tỉnh trưởng nổi tiếng ác ôn Khưu Văn Ba. Cấp trên chỉ thị, nội trong ngày 3/9/1958 Ngọc Diệp phải hoàn thành nhiệm vụ, kiên quyết không cho phép thất bại. Kịch bản đưa ra là trình đơn xin việc, khi tên này giở trò đồi bại thì lấy cớ khử ngay.
Là con gái nuôi của tổng thống Ngô Đình Diệm nên sau sự kiện Léna Phạm giết chết tên Tỉnh trưởng háo dâm Khưu Văn Ba, văn phòng Tổng thống chỉ đạo vụ án tuyệt đối phải được điều tra bí mật, bị án Léna Phạm phải ra Côn Đảo ngay, khi nào hồ sơ vụ án hoàn thành mới trở về. Ngày 3/7/1959, đúng 8 tháng sau phiên tòa đại hình được mở bí mật tại Vĩnh Long, như dự kiến, Léna Phạm được trả tự do, khôi phục danh dự.
Tham gia vào trong lực lượng Cảm tử quân của Trung ương Cục miền Nam và Biệt động thành Sài Gòn, do yêu cầu công tác bí mật, để che mắt địch, Ngọc Diệp phải thay tên, đổi họ liên tục: Ba Diệp (tức Nguyễn Như Diệp); Cô Tư Mắt Kiếng (vì bị cận thị, phải đeo kính thường xuyên); Lâm A Mùi (thời gian sang Lào vận chuyển vàng và đôla về Việt Nam, 1961-1962); Hoàng Nga (thời gian làm tiếp tân Tổng thống phủ Sài Gòn, 1964-1965); T2R; TW307...
Sau này, trong thời gian hoạt động cách mạng, nữ tình báo này từng gây chấn động khi tham gia vào nhiều sự kiện như: Trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ xảy ra lúc 10 giờ 45 phút ngày 29/ 5/ 1965. Sau khi tiến hành vụ ám sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không thành, bà đã gây chấn động nước Mỹ với trận đánh bom cảm tử rạp chiếu bóng Ngọc Lan (Đà Lạt) ngày 28/9/1969 khiến hàng trăm sĩ quan Mỹ, và chính quyền Sài Gòn chết và bị thương. Tiếp đó bà lại xung phong cùng đội cảm tử sang công tác và chiến đấu tại chiến trường Lào 3 năm.
Cuối tháng 4/1972, bà bí mật về nước để cùng một nhóm biệt động thâm nhập vào cứ điểm Đắc Tô - Tân Cảnh của chính quyền Sài Gòn, góp phần cùng bộ đội chủ lực tiêu diệt chúng. Khi vừa trở lại Đà Lạt thăm con, mua gạo tiếp tế cho Khu 6, bà đã không may bị phục kích, bà bị bắt khi đang ăn tối. Chúng đưa bà về giam tại Ty an ninh tỉnh Tuyên Đức, bị giam giữ và tra tấn ở đây suốt 3 tháng trời mới được Tỉnh trưởng Trần Văn Phước cứu thoát.
Tiếp tục chiến đấu, bà có mặt tại Đà Lạt từ những ngày thành phố hỗn loạn vì quân địch tháo chạy trong chiến dịch mùa xuân lịch sử. Tiếp đó, bà cùng đoàn công tác của đồng chí Phạm Hùng từ Đà Lạt tiến về giải phóng Sài Gòn.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo lời khuyên của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, bà đã đổi họ tên mới là Đặng Hoàng Ánh. Với họ tên này, bà đã được Công an tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng minh nhân dân số 250272236, ngày 19/10/1984.