Ngày 20/3, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Blairo Maggi rtiến hành gặp gỡ các đại sứ nước ngoài để trấn an họ và cố gắng ngăn chặn khả năng các nhà xuất khẩu Brazil bị nước nhập khẩu trừng phạt liên quan đến vụ bê bối thịt bò thối gây chấn động thế giới.
Các nhà chức trách ở Brazil đã đình chỉ 33 nhân viên Bộ Nông nghiệp bị tình nghi có dính líu tới đường dây nhận hối lộ và bị cáo buộc để cho một số công ty chế biến thịt lớn nhất nước này nhiều năm nay bán ra thịt bò và gia cầm hư thối. Một nhà máy giết mổ gà thuộc tập đoàn đa quốc gia BRF và hai nhà máy sản xuất xúc xích đã buộc phải đóng cửa, 21 nhà máy khác đang bị kiểm tra.
|
Các nghi phạm bị bắt trong "Chiến dịch thịt thối" ngày 17/3 |
Chiến dịch Weak Flesh đã được phát động ngày 17/3 tại 6 bang của Brazil sau 2 năm điều tra. Cảnh sát liên bang gồm hơn 1.000 người tiến hành đột kích 194 địa điểm nghi vấn. Các nhà điều tra cho biết một số giám đốc đã hối lộ nhân viên kiểm tra chất lượng và các chính khách để nhận được giấy chứng nhận sản phẩm của họ. Cơ quan điều tra buộc tội hơn 30 công ty sản xuất không đảm bảo vệ sinh, trong số đó có JBS - Công ty xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới, đang bán sản phẩm của mình đến khoảng 150 nước và có doanh thu ròng năm 2016 là 55 tỷ USD. JBS có các thương hiệu như Big Frango, Seara Alimentos và Swift. Còn BRF - Nhà sản xuất gia cầm hàng đầu thế giới với các sản phẩm thịt mang thương hiệu Sadia và Perdigao.
|
Các thương hiệu thịt của Brazil |
Cảnh sát liên bang Brazil nói rằng họ có bằng chứng của ít nhất 40 vụ việc. Cảnh sát nói: "Họ sử dụng acid và các hóa chất khác để xử lý sản phẩm có vấn đề. Một số trường hợp, các thực phẩm này có khả năng gây bệnh ung thư". Trong một số trường hợp khác, khoai tây, nước và thậm chí giấy bồi được trộn với thịt gà nhằm tăng trọng lượng để thêm lợi nhuận.
|
Người tiêu dùng Brazil lo ngại về chất lượng thịt |
Người tiêu dùng Brazil lo ngại các sản phẩm bẩn hiện đang được bày bán tại các siêu thị, bất chấp việc các tập đoàn đa quốc gia bác bỏ cáo buộc này. Cổ phiếu của JBS và BRF đã sụt giá tương đương 10% và 8% tại thị trường chứng khoán Sao Paulo (Brazil) sau khi vụ bê bối bị đưa ra ánh sáng.
|
Tập đoàn JBS cam kết hợp tác với cuộc điều tra của cảnh sát |
Brazil là nước xuất khẩu thịt bò và thịt gia cầm số một thế giới và đứng thứ tư về xuất khẩu thịt lợn. Kim ngạch xuất khẩu 3 sản phẩm này trong năm 2016 đạt tới 11,6 tỷ USD. Sản phẩm thịt của quốc gia Nam Mỹ này có mặt tại 150 quốc gia. Brazil có tới 4.000 nhà máy giết mổ và sản xuất thịt. Vụ việc xảy ra đúng lúc các nhà chức trách nước này đang nỗ lực đẩy nhanh việc ký kết một hiệp định tự do thương mại giữa khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Liên minh châu Âu (EU). Thế nhưng, scandal “đáng xấu hổ” này bùng nổ sau khi cảnh sát thông báo phát hiện ra một đường dây nhận hối lộ cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm không đạt chất lượng để đưa ra thị trường tiêu thụ.
|
Tổng thống Brazil Michel Temer |
Trước tình hình bất ổn này, Tổng thống Brazil Michel Temer đã triệu hồi cuộc họp khẩn cấp giữa Bộ trưởng Nông nghiệp Blairo Maggi và Bộ trưởng Ngoại thương Marcos Pereira cùng đại diện các trung tâm giết mổ và sản xuất thịt. Ông Temer cũng đã có buổi điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sau 17 năm Washington cấm nhập khẩu thịt bò từ Brazil kể từ khi dịch bệnh lở mồm long móng của gia súc bùng phát tại quốc gia Nam Mỹ này, ngày 28/7/2016, Mỹ đã cho phép Brazil xuất khẩu 64.000 tấn thịt bò mỗi năm vào thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này. Chính phủ Brazil từng ước tính việc xuất khẩu thịt bò trở lại thị trường Mỹ sẽ mang lại cho quốc gia này thêm khoảng 900 triệu USD mỗi năm và Brazil kỳ vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này để đạt được mức 300 triệu USD trong năm 2017. Người phát ngôn phủ Tổng thống Brazil cho biết, vụ bê bối có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động xuất khẩu thịt của nước này sang Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác.
|
Thịt gà Brazil xuất đi nhiều nước, trong đó có Việt Nam |
Lâu nay, thịt bò và thịt gà Brazil vẫn được nhập về và có mặt ở nhiều cửa hàng, siêu thị ở Việt Nam với giá rẻ hơn nguồn thịt nội địa. Mong những người tiêu dùng hãy thận trọng, kiểm tra kỹ chất lượng trước khi mua hàng.
Trước đó, từ cuối tháng 6/2016, Thương vụ Việt Nam tại Brazil (Bộ Công thương) đã phát đi cảnh báo về tình trạng lừa đảo xuất khẩu các sản phẩm bò, gà, lợn từ Brazil. Nhiều đối tượng đã lợi dụng thông tin Brazil là nước sản xuất các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật lớn trên thế giới cũng như nhu cầu nhập khẩu lớn của các doanh nghiệp Việt Nam để tiêu thụ trong nước và tái xuất sang Trung Quốc. Vì vậy, hầu hết các hợp đồng mà các đối tượng lừa đảo đều lấy danh nghĩa các hãng sản xuất thực phẩm Brazil như BRF, Sadia, Real Alimentos... với các điều kiện rất lỏng lẻo và đặc biệt là giá chỉ rẻ bằng 1/3 so với giá thị trường. Thương vụ Việt Nam tại Brazil cảnh báo các doanh nghiệp khi giao dịch với các đối tượng có các thông tin như kể trên, hoặc các dấu hiệu không minh bạch, khác biệt với thị trường khác thì cần thẩm tra kỹ về các đối tượng giao dịch, tuyệt đối không nên chấp nhận điều khoản thanh toán đặt cọc trả trước trong các hợp đồng mua bán hàng hóa.