Brazil: Trung bình mỗi ngày có 4 phụ nữ bị sát hại

10:20 | 01/03/2019;
Trung bình mỗi ngày tại Brazil có 4 phụ nữ bị sát hại. Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực giới đang diễn ra ở quốc gia Nam Mỹ này.

Theo Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ (IACHR), các nạn nhân phần lớn bị bắn chết tại nhà riêng bởi bạn trai hoặc chính chồng của mình. Trong hầu hết các trường hợp, những người phụ nữ trước khi bị sát hại đã tố cáo hành vi bạo lực gia đình, cố ý gây thương tích, cố ý sát hại (nhưng không thành) của những kẻ xâm hại mình. Tuy nhiên, họ vẫn không thoát được cái chết do bị hành hung.

nh-1.jpg
Trung bình mỗi ngày có 4 phụ nữ bị giết tại Brazil. Ảnh: Independent

 

Hơn 30 năm trước, người dân Brazil không ai không biết đến câu chuyện của bà Da Penha. Vào tháng 5/1983, khi đang ngủ ở nhà riêng tại thành phố Fortaleza (bang Ceará, Brazil), bà Da Penha bị chồng bắn vào lưng, khiến bà bị liệt. 4 tháng sau, khi bà được xuất viện, người chồng vẫn “nhởn nhơ” ngoài vòng pháp luật và một lần nữa cố gắng sát hại bà bằng cách giật điện khi bà tắm.

 

Cuộc đấu tranh đòi công lý của bà Da Penha dẫn đến sự ra đời luật Maria da Penha vào năm 2006. Luật này đã thiết lập các tòa án đặc biệt xét xử những vụ án bạo hành trong gia đình ở tất cả các bang. Bộ luật cũng quy định, các cơ quan y tế liên hệ với cảnh sát ngay mỗi khi tiếp nhận bệnh nhân nữ bị đánh đập, cưỡng hiếp hoặc bị tổn thương về mặt tâm lý.

 

Tuy nhiên, bất chấp đạo luật này, bạo hành gia đình vẫn diễn ra khắp nơi trên Brazil. Theo Nghiên cứu mới về dữ liệu mở và các trường hợp tội phạm giết phụ nữ vì vấn đề giới tính (femicide) tại Brazil, từ năm 1980 đến 2013, có 106.093 người bị sát hại vì họ là nữ. Đặc biệt, trong năm 2010, cứ sau 2 phút lại có 5 phụ nữ bị bạo hành, trong khi đó, vào năm 2013, cứ sau 90 phút lại có thêm 1 phụ nữ bị sát hại.

 

Với quyết tâm chống lại nạn bạo hành gia đình, năm 2015, Brazil đã tiếp tục thông qua đạo luật quy định về tội phạm giết phụ nữ vì vấn đề giới tính (femicide). Theo đó, kẻ phạm tội sẽ bị kết án lên đến 30 năm tù. Tuy nhiên, cùng thời gian đó, Brazil lại nới lỏng luật súng đạn cho phép những người không có tiền án tiền sự giữ 4 khẩu súng tại nhà. Do đó, những người phụ nữ càng gặp nhiều nguy hiểm hơn: Năm 2016, hơn một nửa vụ án giết phụ nữ liên quan đến súng, năm 2017 có 4.539 phụ nữ bị giết, tăng 6,1% so với năm 2016.

 

Theo Diễn đàn An ninh Công cộng Brazil, năm 2015, quốc gia này xếp thứ 7 trên thế giới về mức độ nguy hiểm đối với phụ nữ. Các thống kê về femicide tại Brazil cũng chỉ ra, phụ nữ da đen, những người sống trong nghèo đói, phụ nữ dân tộc thiểu số hoặc những người trong cộng đồng LGBT là những người có nguy cơ cao nhất trở thành nạn nhân của các vụ sát hại vì vấn đề giới.

 

Theo AmericaMagazine, việc áp dụng luật tại quốc gia này vẫn còn rất yếu và nhiều nạn nhân của femicide vẫn còn quá sợ hãi để nộp đơn khiếu nại.

 

Gần đây nhất, năm 2018, vụ sát hại bà Marielle Franco - Ủy viên hội đồng Thành phố Rio de Janiero, nhà hoạt động chính trị, nữ quyền và nhân quyền - đã gây ra sự phản đối công khai với các cuộc biểu tình của phụ nữ trên khắp Brazil. Thế nhưng, vụ án này đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Còn trong năm nay, theo số liệu báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ, tính đến hết tháng 1, số phụ nữ bị sát hại tại Brazil là hơn 120 người. Như vậy, trung bình mỗi ngày trôi qua tại Brazil có 4 phụ nữ bị giết. Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực giới đang diễn ra tại Brazil.

 

nh-2.jpg
Phụ nữ tham gia biểu tình phản đối vụ giết hại Marielle Franco. Ảnh: The Guardian

 

Những người phụ nữ tại Brazil không có lựa chọn nào để thoát khỏi tình trạng trên vì đất nước này không có nhiều dịch vụ hỗ trợ những người sống sót. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Brazil có hơn 200 triệu dân nhưng lại chỉ có 74 chỗ trú ấn cho những phụ nữ bị bạo hành.

 

Đại diện Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ kêu gọi nhà nước Brazil thực hiện các chiến lược toàn diện để ngăn chặn các hành vi bạo lực giới, thực hiện nghĩa vụ điều tra, truy tố và trừng phạt những người liên quan, cũng như bảo vệ và bồi thường toàn diện cho tất cả các nạn nhân. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn