BS Phong thừa nhận phát ngôn về chữa bệnh hiểm nghèo ở chùa Ba Vàng ảnh hưởng đến ngành y

15:59 | 25/03/2019;
"Phát ngôn của tôi đã ảnh hưởng đến y tế của các thầy, BV Bạch Mai và ngành y. Đây là phát ngôn của cá nhân tôi và xin chịu trách nhiệm trước phát ngôn của mình”, bác sĩ Nguyễn Hồng Phong nói.

Mới đây, thông tin bác sĩ Nguyễn Hồng Phong (khoa Nhi, BV Bạch Mai) đã chia sẻ về bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo được chữa khỏi tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đã khiến dư luận dậy sóng. Nhiều ý kiến cho rằng, bác sĩ Phong là đại diện cho ngành y nhưng phát ngôn như vậy là không có căn cứ, ảnh hưởng đến uy tín của BV Bạch Mai.

Chiều ngày 25/2, BV Bạch Mai đã tổ chức gặp mặt báo chí để thông tin vụ việc này.

Tại buổi gặp mặt, bác sĩ Nguyễn Hồng Phong gửi lời xin lỗi đến người dân vì đã hiểu nhầm cho mọi người. Bác sĩ phong cho biết, người dân khi bị bệnh đều đến BV trị bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân cần có tinh thần lạc quan thì bệnh sẽ nhanh khỏi hơn. “Phát ngôn của tôi đã ảnh hưởng đến y tế của các  thầy, BV Bạch Mai và ngành y. Đây là phát ngôn của cá nhân tôi và xin chịu trách nhiệm trước phát ngôn của mình”, bác sĩ Phong nói.

_dsc1182.JPG
Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong xin lỗi tại buổi gặp mặt báo chí

 Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) xác nhận, bác sĩ Nguyễn Hồng Phong là nhân viên của khoa Nhi. Hiện đang đi học nội trú tại BV Đại học Y Hà Nội. Gần 1 năm nay, bác sĩ Phong không điều trị tại BV. Bác sĩ Phong công tác tại BV đã 6 năm, đã khám cho nhiều bệnh nhân nhưng chưa thấy ai phàn nàn về thái độ chuyên môn của bác sĩ Phong.

GS. Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết, bệnh nhân khi bị bệnh phải đến BV để khám, chữa bệnh. Tại BV Bạch Mai có rất nhiều nhóm chuyên ngành từ lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, ung bướu… để điều trị cho từng bệnh nhân.

img_9442.JPG
GS. Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc BV thông tin tại buổi gặp mặt báo chí

 Theo bác sĩ Thông, việc chẩn đoán và điều trị tại Việt Nam hiện rất tiến bộ so với các nước trong khu vực. Việt Nam đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao và được thế giới công nhận. Việc người bệnh đến chùa để cầu xin không có ý nghĩa điều trị, chỉ để an tâm tinh thần trong điều trị. Bác sĩ khi điều trị cho bệnh nhân cũng phải sử dụng tâm lý để điều trị. Việc đi chùa hay cầu xin là tâm lý liệu pháp và y học hiện đại cũng có bác sĩ tâm lý. Ví như, bệnh nào thì điều trị tâm lý liệu pháp, điều trị bao lâu... Hiện BV vẫn có bác sĩ chuyên về thần kinh rất giỏi, điều trị về tâm lý cho nhiều bệnh nhân.

“Phát ngôn của bác sĩ Phong là của cá nhân, không phải đại diện cho BV bởi BV có người phát ngôn riêng. Nhân dân khi có bệnh phải đi tầm soát, khám bệnh định kỳ để phát hiện đặc biệt là điều trị dự phòng tại các cơ sở y tế. Việc điều trị phải theo phác đồ, cá thể hóa cho từng người bệnh và có cơ sở khoa học. Hiện chưa có bằng chứng nào chứng tỏ bác sĩ Phong khám bệnh không khỏi mà đi chùa lại khỏi”, bác sĩ Thông nói.

Trả lời câu hỏi, liệu có “đuổi việc” bác sĩ Nguyễn Hồng Phong hay không, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV cho biết, các hình thức kỷ luật phải được đưa ra Hội đồng kỷ luật xem xét. “Việc xử lý bác sĩ Phong phải căn cứ vào phát ngôn, thiệt hại như thế nào thì Hội đồng kỷ luật sẽ đánh giá và xử lý theo quy định. Hiện tại, Hội đồng kỷ luật của BV chưa họp nên chưa có mức kỷ luật bác sĩ Phong”, bác sĩ HIền nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn